''Chìa khóa'' của tăng trưởng xanh
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 12/06/2022
Trên thực tế, nông nghiệp với vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế đã từng bước mở rộng không gian phát triển, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Trong quá trình phát triển, ngành Nông nghiệp ngày càng có nhiều mô hình tuần hoàn, hướng tới nền kinh tế xanh.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là sản xuất theo quy trình khép kín, chất thải, phế phẩm, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý… Trong bối cảnh đối mặt với sự suy giảm tài nguyên, biến đổi khí hậu…, phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp là một đòi hỏi từ thực tế - không chỉ giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giảm phát thải nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Từ những mô hình nông nghiệp tuần hoàn đơn giản như: Vườn - Ao - Chuồng (VAC); Lúa - Tôm, Lúa - Cá… đến các mô hình: Chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Ferlitizer: Trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón); mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại bò sữa (thực hiện quy trình khép kín: Làm đất, trồng cỏ, chăm sóc bò, xử lý chất thải)… đã mang đến những thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thách thức vẫn ở phía trước.
Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, nhận thức của chính quyền cơ sở, doanh nghiệp và nông dân về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn chưa đầy đủ, trong khi các cơ quan quản lý chưa tạo được hành lang pháp lý cũng như chuẩn hóa các tiêu chí trong lĩnh vực này. Mặt khác, dù đã chú trọng nâng cao năng lực tái chế, phát triển nông nghiệp hữu cơ… nhưng sản xuất vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ… do vậy chưa tạo được động lực thúc đẩy các mô hình nông nghiệp tuần hoàn phát triển.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tăng trưởng xanh, trước hết cần xây dựng một chiến lược truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời rà soát, đánh giá những mô hình đã, đang triển khai để xây dựng các tiêu chí về lĩnh vực này và hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân lực chọn, triển khai các mô hình phù hợp.
Cùng với việc xây dựng hành lang pháp lý, các cơ quan chức năng cần tạo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn; thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và từng chu trình như: Sản xuất - chế biến (tái chế) - phân phối - tiêu dùng (sản xuất); tăng cường sử dụng chế phẩm nông nghiệp…; đồng thời mở rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…
Mặt khác, thúc đẩy các giải pháp phát triển công nghệ xử lý, chế biến phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó, ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ tái chế các phụ phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Đồng thời nâng cao năng lực liên kết doanh nghiệp với nông dân, qua đó, thúc đẩy các quy trình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường…
Kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp là “chìa khóa” của tăng trưởng xanh - không chỉ phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên thông qua việc hạn chế sử dụng các yếu tố đầu vào mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.