Phấn đấu 100% chính sách quan trọng được truyền thông từ khâu lấy ý kiến
Đời sống - Ngày đăng : 07:28, 12/06/2022
Sự thiếu hụt này đã ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo văn bản và trách nhiệm giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo của các cơ quan chủ trì soạn thảo. Với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc truyền thông về chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giúp cho công tác xây dựng pháp luật đạt hiệu quả, góp phần tạo đồng thuận trong đời sống, xã hội. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.
Theo đó, Đề án xác định năm 2022, 70% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng đến khi thông qua, ban hành văn bản. Từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng đến khi thông qua, ban hành văn bản.
Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông về dự thảo chính sách để cung cấp cho các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương triển khai thực hiện bảo đảm thực hiện thống nhất, chất lượng, khả thi; chủ trì, phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách.