Cần xã hội hóa mạnh hơn trong khám, chữa bệnh
Đời sống - Ngày đăng : 12:46, 13/06/2022
Quy định cụ thể chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nêu thực trạng, tiến trình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế trong bối cảnh hiện nay gần như đang đặt ở nút “tạm dừng”. Các hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong toàn ngành gần như “đóng băng”, trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân rất cao.
Đại biểu cho rằng, nguồn lực trong xã hội còn rất lớn, chính vì vậy, nếu Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định thật cụ thể, đầy đủ, rõ ràng trong xã hội hóa, liên doanh, liên kết thì sẽ giúp các bệnh viện có trang thiết bị hiện đại, mang lại lợi ích cho bệnh nhân, cho nền y tế nước nhà.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị quy định cụ thể vào dự án luật những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bổ sung các cơ chế kiểm soát nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm và bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, các điều khoản cụ thể của dự thảo luật chưa thể chế được đầy đủ chủ trương xã hội hóa dịch vụ khám, chữa bệnh. Đại biểu chỉ rõ dự thảo luật quy định về xã hội hóa còn chung chung, chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ sở ngoài công lập và công lập, chưa cụ thể hoá được các chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài công lập, chưa có sự phân tách vùng thuận lợi, vùng khó khăn để khuyến khích đầu tư vào vùng khó khăn.
“Đề nghị rà soát lại quy định này nhằm bảo đảm đồng bộ, minh bạch. Mặt khác, cần lưu ý đến chính sách tự chủ trong lĩnh vực y tế nhưng các cơ sở y tế chưa được tự quyết định giá dịch vụ; định mức kinh tế kỹ thuật ban hành từ năm 2012 không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, đại biểu Trần Khánh Thu nói.
Còn đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho rằng, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trong dự thảo được chia 3 cấp (cấp ban đầu, cấp cơ bản, cấp chuyên sâu) là phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo luật cần bổ sung nguyên tắc sắp xếp lại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; quan tâm khám, chữa bệnh ban đầu. Dự thảo luật chưa có định nghĩa về y tế cơ sở, chưa rõ phạm vi y tế cơ sở, mối liên hệ giữa y tế cơ sở và cấp khám, chữa bệnh ban đầu. Việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn. Việc tổ chức lại hệ thống y tế là giải pháp căn cơ song cần mô hình cụ thể.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, khám, chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình y học gia đình kết hợp khu vực y tế tư nhân và trạm y tế, đặc biệt, kết nối giữa khám, chữa bệnh ban đầu với các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc, hài hòa nguồn thu giữa các tuyến…
Bảo đảm các quy định về quản lý và chuyên môn
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần giải quyết những quy định bất hợp lý như mô hình quản lý kiêm nhiệm chuyên môn và quản lý điều hành. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét một số vấn đề như sửa đổi, bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn, hoạt động quản lý bệnh viện công. Đồng thời, cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh.
“Dự thảo Luật mới tập trung sửa đổi các quy định và các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, mà không quy định tiêu chuẩn về điều kiện hành nghề quản lý”, đại biểu Nguyễn Công Long góp ý.
Về quy định chỉ có Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép hành nghề, đại biểu Nguyễn Trí Thức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng quy định như trên là không hợp lý. Bởi nếu chỉ có một tổ chức cho cả nước thì khối lượng công việc sẽ rất lớn, số lượng bác sĩ trên cả nước cũng rất lớn sẽ có thể gây ra sự quá tải, ách tắc và khó khăn trong việc cấp giấy phép hành nghề.
“Hội đồng Y khoa quốc gia không phải là cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính, mà là một tập thể nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề”, đại biểu Nguyễn Trí Thức nói.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, đối với vấn đề hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, Chính phủ đã chỉ đạo phân tuyến chuyên môn nhưng vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm mô hình y tế cơ sở, triển khai mô hình bác sĩ gia đình theo xu hướng tăng nhiều hơn.
Liên quan đến vấn đề xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá. Hiện nay, mới có 318 bệnh viện tư thục, 38 nghìn phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh. “Đây là một tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 27 ý kiến phát biểu, 2 đại biểu tranh luận. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.