Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Cần có bước đi bài bản

Chính trị - Ngày đăng : 06:18, 13/06/2022

(HNM) - Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết số 26/NQ-TƯ ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Triển khai thực hiện nghị quyết, Đảng bộ các địa phương trên cả nước cần có những bước đi bài bản, khoa học nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao.

Quang cảnh lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ bí thư đảng ủy xã, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025 do Thành ủy Hà Nội tổ chức tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng

Nâng cao năng lực hội nhập cho đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược với kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một trong những vấn đề trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 26/NQ-TƯ về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp, thương mại, đầu tư, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Tuy nhiên trên thực tế, kỹ năng làm việc và hội nhập của đội ngũ cán bộ nước ta vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục, đặc biệt về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, những năm qua, Thành ủy luôn quan tâm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm giúp họ có đủ khả năng, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Trên cơ sở đó, Thành ủy đã sớm ban hành và triển khai các chương trình, nghị quyết, đề án nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu trên vào thực tiễn cuộc sống, trong đó có Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-9-2017 về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”. Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025 là nghiên cứu xây dựng chương trình và lựa chọn cán bộ cử đi đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên sâu ở trong và ngoài nước, tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, thành phố thông minh...

Trên cơ sở đó, đã gợi mở nhiều định hướng, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô đến năm 2025 và những năm tiếp theo…

Tại Hải Phòng, sau hơn 8 năm thực hiện các đề án đào tạo cán bộ, tỷ lệ tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi chiếm 41,1%. Cán bộ sau đào tạo được nâng cao rõ rệt về kiến thức, trình độ chuyên môn, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Trong khi đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang lại bố trí cho các đồng chí quy hoạch Ban Thường vụ cấp ủy được dự họp Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp; cử cán bộ, công chức cấp xã lên học tập, bồi dưỡng thực tế tại các phòng, ban, cơ quan cấp huyện… Kết quả, giai đoạn 2015-2020, đã có 3.233 lượt cán bộ được cử đi đào tạo chuyên môn.

Lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân vận của Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

Khắc phục những bất cập

Tuy nhiên, quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, theo phản ánh của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, nhất là trong bối cảnh phải chủ động hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế số... Để khắc phục, Ban Thường vụ Thành ủy đã đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ theo chiến lược đón đầu tại một số chuyên ngành, lĩnh vực mũi nhọn...

Còn Thành ủy Hải Phòng đã có đề án thu hút, tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong nước và nước ngoài; cán bộ khoa học trẻ có triển vọng. Từ đó, Hải Phòng đã đưa cán bộ vào những vị trí, môi trường công tác, tình huống thực tế để rèn luyện, khẳng định năng lực cán bộ.

Sau thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, Tỉnh ủy Bắc Giang cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 30% cán bộ lãnh đạo các sở, ngành, cán bộ chủ chốt cấp huyện sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Đến năm 2030, khoảng 25-35% cán bộ lãnh đạo đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề xuất nghiên cứu xây dựng một Chương trình quốc gia tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; thúc đẩy hợp tác để tranh thủ các nguồn lực tham gia đào tạo cán bộ; duy trì việc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo Thông báo số 165-TB/TƯ, ngày 27-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang cho biết, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hơn đòi hỏi mỗi cán bộ có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sáng; hiểu sâu sắc thông lệ quốc tế; am hiểu văn hóa của các nước đối tác. Cán bộ cũng phải có tác phong làm việc chuyên nghiệp, thông thạo ngoại ngữ, tin học; khả năng phân tích, thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm... Do đó, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 26/NQ-TƯ.

Hương Ly