Chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chính trị - Ngày đăng : 17:34, 13/06/2022

(HNMO) - Chiều 13-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 13-6.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trước đó, ngày 26-5-2022, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và đã thảo luận tại các tổ về dự án luật này. Qua tổng hợp thảo luận tại tổ đã có 140 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Thanh tra Chính phủ là cơ quan chủ trì soạn thảo, được Chính phủ phân công đã có báo cáo làm rõ một số nội dung và giải trình, tiếp thu bước đầu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ. 

Theo đó, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tổ cho thấy, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra. Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi lần này không có nhiều thay đổi so với luật hiện hành, chưa có những thay đổi căn bản, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và đáp ứng được yêu cầu của ngành Thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều. Dự thảo Luật quy định thủ trưởng các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước. Đồng thời, dự thảo Luật cũng đưa ra những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc để phân định giữa kiểm tra và thanh tra...

Khi đề xuất chính sách xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không tổ chức thanh tra huyện. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Mặt khác, nếu không tổ chức thanh tra huyện thì thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn phụ trách thanh tra địa bàn các huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không đáng kể.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí với các báo cáo, trong đó đại biểu quan tâm đến việc hệ thống thanh tra phân cấp hành chính. Cụ thể, dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về thanh tra huyện trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại biểu phân tích, hiện nay có 705 đơn vị hành chính cấp huyện thì quy mô, tính chất, mức độ hoạt động của cơ quan này trong mỗi tỉnh và thành phố khác nhau rất nhiều. Thậm chí, nhiều nơi thanh tra cấp huyện còn hạn chế, chưa hiệu quả, việc tổ chức biên chế không phù hợp. Vì thế, cần xem xét trên góc độ thực tiễn để quyết định nên hay không nên việc thành lập lực lượng này ở cấp huyện.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Còn đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) nêu thực trạng thời gian qua hoạt động thanh tra chồng chéo, trùng lặp gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Thậm chí, có doanh nghiệp mỗi năm phải tiếp cả chục đoàn tranh tra, kiểm tra. Dù thời gian gần đây công tác thanh tra với các doanh nghiệp đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa được giải quyết tận gốc, gây khó khăn cho cơ quan thanh tra, kiểm tra và chính các doanh nghiệp.

Vì thế, đại biểu kiến nghị việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường sự phối hợp để giảm sự chồng chéo trong việc thanh tra, kiểm tra nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) tranh luận.

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc xác định tiêu chí ngân sách để xác định việc có nên thành lập thanh tra cấp huyện hay không như đại biểu Trương Xuân Cừ nêu là không hợp lý. Bởi lực lượng thanh tra cấp huyện còn phải làm rất nhiều việc, như giúp chủ tịch UBND huyện trong việc kiểm tra giám sát các công việc liên quan. Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị các cơ quan chức năng rà soát lại trang phục của lực lượng thanh tra cho phù hợp.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đã có 22 ý kiến thảo luận và tranh luận tại hội trường. Trong đó, đa số đại biểu nhất trí giữ nguyên hệ thống thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay để bảo đảm nguyên tắc ở đâu có quản lý nhà nước, ở đó có thanh tra. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu hoàn thiện các quy định của thanh tra huyện nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu bổ sung quy định, tiêu chí, nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra để tránh lạm dụng, tạo sự thống nhất, khả thi, tinh gọn, hoạt động hiệu quả. 

“Thanh tra Chính phủ đang sửa đổi, hoàn thiện các quy định về quản lý giám sát hoạt động của đoàn thanh tra để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan thanh tra, hoạt động của đoàn thanh tra. Đó là phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên họp chiều nay đã có 20 đại biểu phát biểu và 2 đại biểu tranh luận. Không khí thảo luận sôi nổi, trí tuệ, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; còn 16 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu sẽ gửi bằng văn bản cho ban thư ký tổng hợp. Các ý kiến của đại biểu cơ bản nhất trí việc cần thiết phải ban hành dự thảo Luật và tiếp tục hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tư vào tháng 10-2022.

Đình Hiệp