Cảnh báo tai nạn từ máy ép nước mía
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:29, 14/06/2022
Cụ thể, Khoa Phẫu thuật chi trên và vi phẫu thuật (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) vừa tiếp nhận trường hợp chị Đ.T.T (29 tuổi, ở Quảng Ninh) bị đứt gần hoàn toàn 1/3 giữa cẳng tay trái và đứt gần rời hai ngón tay của bàn tay trái. Theo bệnh nhân, trong lúc bật máy nước mía, chị sơ ý để bàn tay cuốn vào máy ép, dẫn đến dập nát. Các bác sĩ kịp thời phẫu thuật, trồng nối cẳng tay, bàn tay và phần mềm cho chị T.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Nam, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật chi trên và vi phẫu thuật của bệnh viện khuyến cáo, người dân khi tiếp xúc, sử dụng máy ép nước mía phải rất thận trọng, cần tập trung, không lơ là.
Trong trường hợp có tai nạn đáng tiếc xảy ra, người bệnh và người nhà người bệnh cần chú ý một số hướng dẫn sơ cứu và bảo quản chi thể đứt rời. Cụ thể, rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch. Sau đó, tiến hành cầm máu cho vết thương gồm: Băng ép, băng chèn cầm máu đối với tai nạn đứt lìa ngón tay hoặc ngón chân.
Đối với trường hợp đứt rời cổ - bàn tay, cẳng tay, cánh tay hoặc đứt rời cẳng chân, cổ - bàn chân thì cần garo cầm máu hoặc nếu sơ cứu tại cơ sở y tế có điều kiện thì buộc thắt mạch cầm máu để tránh mất máu. Dùng băng gạc vô trùng hoặc vải sạch băng vết thương.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Nam cũng đưa ra lưu ý về việc bảo quản chi thể đúng cách. Nếu chi thể bị đứt rời hoàn toàn, đặt chi thể trong một túi nilon, buộc kín lại để nước không thấm vào. Đặt túi nilon vào một thùng hoặc một túi khác chứa 2/3 nước và 1/3 đá. Không để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá.
Nếu phần chi còn dính lại một phần trên cơ thể (gân, cơ, thần kinh, cầu da…) thì tuyệt đối không được cắt rời phần chi này ra khỏi cơ thể, rửa sạch chi bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch, dùng băng gạc vô trùng hoặc vải sạch băng vết thương. Cố định chi thể ở tư thế chức năng. Đặt túi nước đá lạnh ở bên cạnh để đảm bảo giữ nhiệt độ lạnh cho chi, không đặt trực tiếp đá lạnh lên vết thương.