Iraq đối mặt bế tắc chính trị kéo dài

Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 15/06/2022

(HNM) - Hàng chục nghị sĩ Iraq thuộc khối của giáo sĩ Moqtada Sadr theo dòng Shi'ite đã từ chức vào ngày 12-6 khiến đất nước bị chia rẽ, rơi vào tình trạng bất ổn chính trị. Động thái này là dấu hiệu cho thấy việc giải quyết bế tắc kéo dài 8 tháng qua trong việc thành lập chính phủ đang trở nên phức tạp hơn.

Quốc hội Iraq đã không thể bỏ phiếu bầu tổng thống, một bước cần thiết trước khi thành lập chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed al-Halbussi cho biết ông đã nhận được đơn từ chức của 73 nghị sĩ trong khối của giáo sĩ Sadr. Trước đó, ngày 9-6, giáo sĩ Sadr khẳng định, các nghị sĩ trong nhóm của ông, cũng là khối lớn nhất trong Quốc hội Iraq, sẵn sàng nộp đơn từ chức trong nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc và tạo cơ hội cho việc thành lập chính phủ mới. Mặc dù Chủ tịch Quốc hội đã chấp thuận đơn từ chức, song Quốc hội vẫn cần bỏ phiếu để thông qua vấn đề này. Nhưng kỳ nghỉ của Quốc hội đã bắt đầu từ ngày 9-6 và các nghị sĩ dự kiến quay lại làm việc vào tháng 8 tới.

Quốc hội Iraq đã rơi vào khủng hoảng kể từ sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10-2021, khi các cuộc đàm phán giữa các đảng phái chính trị không đạt kết quả trong nỗ lực tìm kiếm đa số ủng hộ để chọn ra Thủ tướng mới. Các nghị sĩ Iraq đã 3 lần thất bại trong việc bầu ra một Tổng thống mới, bước quan trọng đầu tiên trước khi chọn ra Thủ tướng và sau đó là thành lập chính phủ mới.

Hai nhóm theo dòng Shi'ite trong Quốc hội gồm liên minh do giáo sĩ Sadr đứng đầu và nhóm Coordination Framework đều tuyên bố chiếm đa số trong Quốc hội và có quyền bổ nhiệm Thủ tướng. Dù liên minh của giáo sĩ Sadr còn bao gồm các nghị sĩ theo dòng Sunni trong đảng của Chủ tịch Quốc hội al-Halbussi và đảng Dân chủ người Kurd (KDP), song con số 155 nghị sĩ vẫn thấp hơn mức đa số cần thiết trong Quốc hội gồm 329 thành viên.

Việc các nghị sĩ trong khối Sadr từ chức khiến trách nhiệm thành lập chính phủ thuộc về 83 nghị sĩ trong nhóm Coordination Framework. Nhóm này hiện đang nhận được sự ủng hộ từ đảng của cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, Liên minh Fatah, nhánh chính trị của nhóm bán quân sự Hashed al-Shaabi.

8 tháng sau cuộc bầu cử toàn quốc, Iraq vẫn chưa có chính phủ và chưa có hướng nào để đưa đất nước thoát khỏi bế tắc. Giới tinh hoa chính trị bị lôi kéo vào thế cạnh tranh giành quyền lực, ngay cả khi đất nước phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng, bao gồm một cuộc khủng hoảng lương thực sắp xảy ra do hạn hán nghiêm trọng và xung đột ở Ukraine.

Đối với người dân Iraq, mọi thứ đều bị trì hoãn. Chính phủ không thể thực hiện các khoản thanh toán tiền điện quan trọng hoặc dự thảo kế hoạch đầu tư cần thiết khi bước vào những tháng mùa hè. Các khoản đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp nước đã bị tạm dừng trong khi tình trạng thất nghiệp đang khiến người dân phẫn nộ. Gần đây, Iran đã cắt giảm 5 triệu mét khối khí đốt xuất khẩu sang Baghdad, với lý do Iraq chậm thanh toán tiền cho Iran.

Cựu Thủ tướng Iraq Adil Abdul Mahdi nói: “Không thành lập chính phủ có nghĩa là không có ngân sách để cung cấp việc làm, dịch vụ cơ sở hạ tầng và những thứ khác. Mùa hè đang đến, tình trạng thiếu nước và điện sẽ lại bắt đầu xảy ra trừ khi có một chính phủ mới để giải quyết vấn đề này”.

Liên hợp quốc cho biết, khoảng một phần ba trong số 41 triệu dân của Iraq hiện đang sống trong cảnh nghèo đói. Thể chế nhà nước ở quốc gia này đã bị suy yếu do nhiều thập kỷ chìm trong chiến tranh và nạn tham nhũng hoành hành. Và mặc dù có trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ, Iraq vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Trong hoàn cảnh như vậy, có vẻ như bế tắc chính trị tại Baghdad sẽ còn kéo dài và mâu thuẫn giữa các bên khó có thể được giải quyết. Điều đó có nghĩa là bất kỳ chính phủ mới nào nếu được thành lập cũng đều phải đối mặt với vô số thách thức.

Thùy Dương