Nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 15/06/2022
Lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ
Vượt qua không ít khó khăn, đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng trung tâm để phục vụ. Nhờ đó, ngành đã thu được những “trái ngọt” an sinh.
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có khoảng 1,88 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đạt hơn 38% lực lượng lao động trong độ tuổi ở Thủ đô (cả nước là gần 34%), tăng gần 1,6 triệu người so với năm 1995. Đại đa số người tham gia bảo hiểm xã hội đều tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đưa số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 37% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, cuối năm 2021, gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dành cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến với gần 1,7 triệu người lao động ở Hà Nội. Tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 4.000 tỷ đồng.
Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng tới người nông dân, lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Hiện nay, toàn thành phố có hơn 62.000 người tham gia, tăng hơn 20 lần so với năm đầu triển khai chính sách (năm 2008). Chính sách bảo hiểm y tế tiếp tục mở rộng diện bao phủ. Nếu như năm 1995, Hà Nội mới có 552.000 người tham gia bảo hiểm y tế, bằng 13,9% dân số, thì đến cuối tháng 5-2022 đã có gần 7,5 triệu người dân Thủ đô tham gia, đạt hơn 91% dân số, chưa bao gồm lực lượng vũ trang (tỷ lệ này của cả nước hiện đạt hơn 87%).
Cùng với bảo hiểm y tế, các chế độ, chính sách do ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội triển khai luôn đến với người thụ hưởng trong thời gian sớm nhất, đúng người, đúng đối tượng. Hằng tháng, các đơn vị chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho hơn 570.000 người đúng thời gian quy định với số tiền hàng nghìn tỷ đồng... Số lượng người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng với số tiền chi trả ngày càng lớn. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh cho hơn 3,4 triệu lượt người với số tiền đề nghị thanh toán là gần 5.858 tỷ đồng…
Kiên trì mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân
Những kết quả đạt được về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong 27 năm qua là minh chứng rõ nhất về sự phát triển ngày càng vững chắc của ngành Bảo hiểm xã hội Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, việc đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phát triển sâu, rộng không dễ thực hiện. Trong đó, nổi lên là việc mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Từ kinh nghiệm triển khai chính sách ở cơ sở, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) Nguyễn Duy Nhật phản ánh một thực tế là từ năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo ở Thủ đô tăng lên, tương ứng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng, mức hỗ trợ đóng từ ngân sách cũng tăng, nên cần nhiều hơn nguồn kinh phí hỗ trợ mức đóng so với những năm trước đó.
Còn với bảo hiểm y tế dù đã đến với số đông người dân, nhưng không dễ mở rộng diện bao phủ đến những đối tượng còn lại vì nhiều lý do. Hơn nữa, một số quy định về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bộc lộ những bất cập, nên chưa thực sự hấp dẫn người dân.
Kiên trì mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, thành phố Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2025 có khoảng 47% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 3% tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội...
Để thực hiện các mục tiêu trên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng, địa phương chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, lấy đây làm khâu đột phá, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, chất lượng phục vụ đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách… Cùng với đó là ưu tiên nguồn lực để triển khai các hoạt động chuyển đổi số; thực hiện tốt việc liên thông các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Dịch vụ trực tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành liên quan...
Đặc biệt, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quản lý theo hướng hiện đại, thân thiện, giúp các đơn vị, doanh nghiệp và người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ. Ngành cũng chủ động phối hợp với các bên liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, nhất là đối với hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội; đôn đốc doanh nghiệp, người lao động, người dân đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đúng thời gian…
Thực hiện hiệu quả các giải pháp trên nhằm hướng đến mục tiêu góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, không để ai bị bỏ lại phía sau.