Tạo động lực thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của Vùng Thủ đô Hà Nội
Kinh tế - Ngày đăng : 09:16, 15/06/2022
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị):
Hạ tầng giao thông là vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cùng với dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí quan trọng đối với 2 vùng kinh tế trọng điểm của nước ta, đóng góp rất lớn đối với cả đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang bị chững lại do các điểm nghẽn, đặc biệt về quy hoạch không gian của đô thị cũng như hạ tầng giao thông, với vấn đề lớn nhất hiện nay là tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Do đó, nếu không giải quyết ngay thì không chỉ cản trở sự phát triển mà chúng ta sẽ phải trả giá rất nhiều về cả thời gian và công sức, tiền bạc.
Ví dụ, các Thủ đô của thế giới như Bangkok (Thái Lan) đã phải mất 20-30 năm để giải quyết vấn đề ách tắc, đến nay mới chỉ khắc phục được một phần; với Manila (Philippines) - thành phố đóng góp 30% GDP của Philippines, nhưng tính riêng tắc nghẽn giao thông của Manila đã làm giảm tương ứng 8% của GDP đối với Philippines. Những ví dụ này cho thấy vấn đề hạ tầng giao thông của 2 vùng này, đặc biệt là của Vùng Thủ đô Hà Nội là hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay.
Có thể khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị dự án, đặc biệt lần này Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương có thể thực hiện được đồng bộ, đồng loạt rất nhiều dự án giao thông quan trọng, mở ra sự phát triển trong thời gian tới.
Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Khuất Việt Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội):
Dự án tạo ra nhiều đột phá
Có thể khẳng định, chủ trương dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng. Đây là dự án chúng ta đột phá vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, 1 trong 3 đột phá mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Khi tạo đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông, đồng thời chúng ta tạo ra cơ hội cũng như dư địa để thực hiện đột phá về thể chế, đột phá về phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, dự án cần các cơ chế đặc biệt, đều cần điều chỉnh lại các luật, nghị định, thông tư để thực hiện; qua đó huy động được các nguồn nhân lực để thực hiện các dự án giao thông hiện đại này, kèm theo cả về vật tư, cả về quản lý thì sẽ đào tạo được một đội ngũ nhân lực cả trong và ngoài nhà nước.
Về ngắn hạn, dự án sẽ tham gia vào việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, tạo ra doanh thu cho một khối lượng rất lớn các doanh nghiệp, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.
Về dài hạn, sau khi hoàn thành dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cùng với dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, sẽ tạo ra cơ sở để các ngành và các địa phương bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Văn Hải (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa):
Giải pháp đúng đắn, bảo đảm hiệu quả huy động vốn
Việc đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ giải quyết cùng lúc 3 vấn đề. Trong đó, dự án sẽ góp phần rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự liên kết giữa các tỉnh trong khu vực và cũng như tạo sự liên kết giữa các vùng kinh tế.
Đặc biệt, dự án sẽ mở rộng không gian phát triển cho Vùng Thủ đô Hà Nội, từ dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển, khu dịch vụ thương mại, du lịch... Nếu không thực hiện dự án, sẽ bó hẹp sự phát triển của Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô nói chung.
Dự án cũng sẽ giải quyết vấn đề kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm ách tắc giao thông nội đô, tạo sự kết nối giữa các tuyến giao thông hiện hữu của thành phố với nhiều hạ tầng giao thông khác như các tuyến đường cao tốc xung quanh Thủ đô.
Việc đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) dự án thành phần 3 của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là biện pháp hiệu quả khi nguồn vốn ngân sách còn đang khó khăn, đáp ứng được nguồn lực ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn lực tư nhân để cùng phối hợp tạo ra sức mạnh phát triển các tuyến đường cao tốc với số vốn lớn. Đây là giải pháp đúng đắn, bảo đảm hiệu quả huy động vốn triển khai các dự án.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan:
Ngân sách các địa phương cho dự án được bảo đảm
Đến thời điểm này, ngân sách các địa phương cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được bảo đảm, được thông qua HĐND cấp tỉnh để phê duyệt nguồn vốn phù hợp. Ví dụ như tỉnh Bắc Ninh đã có Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc triển khai dự án.
Trong triển khai, Quốc hội cần cho phép các tỉnh sử dụng nguồn từ cải cách tiền lương bảo đảm triển khai cải cách tiền lương theo quy định, còn nguồn dự phòng để bảo đảm triển khai các dự án quan trọng này, khi nào cần thiết và thiếu thì địa phương sẽ xin ý kiến Chính phủ để triển khai nguồn trái phiếu của địa phương theo quy định. Đây là giải pháp hiệu quả và có cơ sở tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án này, vì vậy nên có cơ chế ngay ở nghị quyết về việc sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương để các địa phương triển khai thực hiện.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, thời gian thực hiện các dự án trong từng giai đoạn, tôi nhất trí với cơ chế, chính sách đặc thù theo đề xuất của Chính phủ. Cụ thể là có cơ chế chính sách về nguồn vốn, tổ chức thực hiện, chỉ định thầu, khai thác khoáng sản đối với đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Việc cho phép các địa phương bố trí một phần ngân sách địa phương tạo nguồn vốn mồi thu hút sự tham gia của các nguồn vốn khác có tác động lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, đề nghị Chính phủ sớm dự thảo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành để khi Nghị quyết được thông qua thì việc triển khai được sớm, tránh để trễ vì thời gian triển khai không dài.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp):
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân để thực hiện dự án
Việc đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội hoàn toàn sát, đúng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2025. Chính phủ đã chuẩn bị kỹ hồ sơ Đề án để trình Quốc hội, báo cáo của cơ quan thẩm tra đã phân tích và đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện với việc trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án quan trọng này, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri toàn vùng và cả nước. Dự án có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy đô thị hóa phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm ách tắc giao thông nội đô, kết nối với nhiều hạ tầng giao thông khác như cảng hàng không, cảng biển trong cả nước.
Tuy nhiên, để dự án được triển khai thuận lợi, không bị ách tắc thì việc giải phóng mặt bằng là vấn đề mấu chốt cần các địa phương vào cuộc để dự án được suôn sẻ, trơn tru. Tôi rất mong muốn dự án này khi thực hiện sẽ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và đặc biệt là chủ đầu tư cần có sự quyết tâm cao trong tổ chức thi công, tổ chức thực hiện dự án phải công tâm, khách quan, vô tư, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của mình đối với người dân, đối với từng dự án thành phần.
Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên):
Tạo điều kiện tốt nhất cho công tác giải phóng mặt bằng
Các địa phương trong vùng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã cam kết bố trí đủ nguồn lực theo phân cấp để đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra. Việc chia nhỏ các dự án thành phần, kêu gọi hợp tác công - tư giao cho các địa phương thực hiện theo hình thức cuốn chiếu là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn vốn, rút ngắn tiến độ cho dự án.
Để triển khai thực hiện dự án bảo đảm đúng tiến độ, đáp ứng được mục tiêu nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư, nhà thầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác giải phóng mặt bằng vì diện tích giải phóng mặt bằng rất lớn, khoảng gần 1.400ha, thời gian từ nay đến năm 2024 phải hoàn thành.
Đồng thời, có giải pháp để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, làm tốt việc thực hiện chỉ định thầu đối với những gói thầu được phép thực hiện nhưng phải lựa chọn được nhà thầu có năng lực, uy tín tham gia thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt việc quản lý đất đai dọc tuyến đường ngay từ khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, chờ dự án để đòi bồi thường hoặc xây dựng trên hành lang giao thông. Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương có dự án đi qua trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án để địa phương chủ động trong việc bố trí vốn, bố trí địa điểm tái định cư ngay từ ban đầu khi đề án được phê duyệt; quan tâm thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật; hỗ trợ chuyển đổi nghề, phục hồi sinh kế để ổn định cuộc sống cho người dân đã dành đất cho dự án.