Bảo đảm hành lang thoát lũ

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:58, 16/06/2022

(HNM) - Vừa qua, những trận mưa với cường độ cao trong thời gian ngắn đã biến nhiều con phố ở Hà Nội thành sông, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp chìm trong nước… Và, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng này dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới dù thành phố đã, đang triển khai nhiều kịch bản ứng phó. Vậy, đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này?

Khoan nói về năng lực thoát lũ của sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy hay sông Tích, sông Nhuệ…, từ nhiều năm trước, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra hàng loạt vấn đề liên quan đến khả năng tiêu úng của Hà Nội, trong đó phải kể đến quy hoạch và xây dựng. Trước đây, khi xây dựng các khu tập thể Thành Công, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Trung Tự…, các nhà quy hoạch đã tạo nên nhiều không gian xanh và hồ nhân tạo để trữ nước, điều hòa không khí; còn ngày nay thì sao? Nhà cao tầng ken đặc mặt đường, vỉa hè lát đá dày, ao hồ bị san lấp… nên mưa xuống, nước không thấm vào đất, “không biết” chảy về đâu.  

Cũng trong câu chuyện về quy hoạch hành lang thoát lũ, chống úng ngập, nhiều người nhắc đến khu vực hai bên Đại lộ Thăng Long như một “điển hình” của việc thiếu “tầm nhìn xanh”. Hàng nghìn héc ta đất được giao cho các doanh nghiệp lập dự án thương mại cũng như việc mở rộng Đại lộ Thăng Long không chỉ thu hẹp không gian thoát lũ, mà còn tạo nên một con đê chắn ngang hành lang thoát nước. Hệ quả là mỗi khi mưa lớn, nhiều đoạn đường biến thành… đập tràn.

Có thể nói, các khu đô thị mở rộng đồng nghĩa với việc thu hẹp không gian thoát lũ và trữ nước. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, mưa lớn sẽ kèm theo khô hạn nên việc thoát nước và trữ nước cần được tính toán khoa học với hệ thống giải pháp căn cơ. Nhiều thành phố trên thế giới đã đi trước và có khoảng cách khá xa so với Hà Nội trong việc giải quyết vấn đề này. Do vậy các nhà quản lý đô thị, quy hoạch, kiến trúc… có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm và ứng dụng phù hợp với thực tế.

Trước hết, để hạn chế tình trạng úng ngập cục bộ trong mùa mưa lũ năm nay và những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng, các địa phương cần chủ động phương tiện, lực lượng ứng phó với các cấp độ mưa theo kịch bản dự kiến và vận hành đồng bộ hệ thống tiêu thoát nước; đồng thời quyết liệt triển khai các giải pháp nâng cao năng lực thoát lũ của các sông, đặc biệt là sông Tích, sông Bùi, sông Đáy… Qua đó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cùng với đó là hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý quy hoạch vành đai xanh, hành lang xanh để gìn giữ, mở rộng các vùng sinh thái - cũng là bảo đảm không gian, hành lang thoát lũ cho thành phố. Trong đó, kiên quyết không hình thành các dự án có thể gây chia cắt hoặc ngăn chặn hành lang thoát lũ. Mặt khác, cần nghiên cứu các giải pháp tích hợp phương án thoát nước với hạ tầng đô thị như hệ thống ngầm, bảo đảm tiêu úng cho khu vực nội đô.

Về lâu dài, các cơ quan chức năng của thành phố cần tiếp cận những vấn đề mới về thoát nước và trữ nước để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, xử lý hài hòa việc thoát nước tiêu úng và trữ nước cho những ngày khô hạn, đặc biệt chú ý giải pháp về công trình ngầm, công nghệ xử lý nước thải… Song song đó, nghiên cứu, xây dựng chiến lược xanh với hệ thống thoát lũ, tiêu úng hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm không gian, hành lang thoát lũ cho thành phố vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa là mục tiêu lâu dài, đòi hỏi một hệ thống giải pháp căn cơ, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế.

Thế Văn