Cân nhắc kỹ khi luyện thi cấp tốc
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:07, 16/06/2022
Nở rộ các lớp ôn thi trực tuyến
Khảo sát các địa điểm trước đây từng là “đại bản doanh” của các “lò” luyện thi như khu vực Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội…, không còn nhiều các biển hiệu trung tâm luyện thi đại học cấp tốc như trước đây.
Phóng viên Báo Hànộimới tìm đến Trung tâm luyện thi quốc tế Sao Việt (96B phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân), nhưng căn biệt thự đóng cửa im lìm. Tương tự, trung tâm luyện thi đại học tại số 37 phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) cũng trong cảnh "cửa đóng, then cài"... Trong khi đó, tìm kiếm trên trang mạng xã hội lại có khá nhiều trung tâm luyện thi đại học đưa ra các khóa học cấp tốc trực tuyến (online).
Trung tâm luyện thi thầy Cường (quận Cầu Giấy) đã mở khóa luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông cuối cùng dành cho học sinh 2k4 (sinh năm 2004) từ tháng 5, mục tiêu đạt điểm 9-10, với đa dạng lớp học và khung giờ để học sinh lựa chọn, trong đó kết hợp cả hai phương thức học offline (trực tiếp) và online. Theo quan sát, mỗi lớp ở trung tâm này có sĩ số dao động khoảng 20 học sinh. Hệ thống giáo dục Học mãi cũng xây dựng khóa học Pen-M bứt phá thần tốc, chinh phục điểm 8-10 trong 3 tháng cuối nhằm tối đa hóa điểm số.
Giám đốc Phát triển chương trình tại Hệ thống giáo dục Học mãi Nguyễn Quỳnh Mai cho biết, 3 tháng cuối là khoảng thời gian học sinh cần nhìn nhận thực tế về kết quả đạt được trong quá trình ôn luyện trước đó. Các em nên ôn luyện chọn lọc theo năng lực bản thân, tránh ôn luyện lan man, không có trọng tâm.
Trong khi đó, nhiều trường đại học mở kỳ thi đánh giá năng lực để làm căn cứ xét tuyển khiến nhiều học sinh đôn đáo chạy theo các khóa luyện thi, làm “không khí thi cử” càng thêm căng thẳng.
Với nguyện vọng vào Trường Đại học Ngoại thương, Ngô Thị Thu Hoài (lớp 12, Trường Trung học phổ thông Ứng Hòa B) tập trung ôn 3 môn toán, hóa, tiếng Anh tại lớp học chính khóa và đăng ký 3 khóa học online tổ hợp D07 cùng 1 khóa luyện thi đánh giá năng lực. “Các khóa ôn thi chiếm gần hết ngày của em, thời gian còn lại em tập trung giải đề để thành thục kỹ năng làm bài”, Ngô Thị Thu Hoài tâm sự.
Cần hệ thống hóa kiến thức
Với thâm niên 17 năm luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học, cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, bộ môn Sinh Trường Trung học phổ thông Vân Tảo (huyện Thường Tín) đưa ra lời khuyên: "Các em học sinh cần xác định mục tiêu căn cứ vào lực học của mình. Với lực học trung bình, các em cần nắm vững kiến thức cơ bản để hoàn thành ngưỡng 30 câu hỏi đầu. Học lực khá tiếp tục bổ sung kiến thức cho các câu hỏi tiếp theo nhằm giành được điểm 7-8. Học sinh giỏi mới tập trung vào các câu hỏi khó cuối cùng để đạt điểm tuyệt đối. Điều quan trọng nhất trong quá trình ôn luyện là các em cần hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy, những kiến thức nào bắt buộc học thì phải nhớ, làm đi làm lại nhiều lần".
Phân tích thêm, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội thiên về đánh giá năng lực tư duy của thí sinh chứ không đánh giá khả năng trí nhớ. Để làm tốt bài thi đánh giá năng lực, thí sinh nên học chắc kiến thức cơ bản và dành thời gian làm đề thi thử do Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp trước ngày đăng ký dự thi. Có cả ngàn câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi của kỳ thi đánh giá năng lực với khối lượng kiến thức trải rộng thì không một trung tâm luyện thi nào có thể bao quát được. Nhà trường không tổ chức ôn luyện, không xuất bản các ấn phẩm phục vụ ôn luyện thi đánh giá năng lực (ngoại trừ bài thi tham khảo). Tất cả các chuyên gia, cộng tác viên hoạt động liên quan thi đánh giá năng lực đều cam kết không tham gia luyện thi đánh giá năng lực.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2021, nội dung thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 nên các nhà trường cần chuẩn bị tốt cho học sinh tham gia kỳ thi. Các trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển. Trường đại học quốc gia, các trường đủ điều kiện tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực làm căn cứ xét tuyển và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác cùng sử dụng kết quả này để giúp học sinh không phải tham dự nhiều kỳ thi và vẫn có nhiều cơ hội xét tuyển đại học.