Khơi sáng ngọn nến nhân văn
Văn hóa - Ngày đăng : 05:51, 16/06/2022
Từ 1% hy vọng
Xông xáo, nhiệt huyết, đó là điều dễ thấy ở nhà báo Uông Ngọc tên đầy đủ là Uông Thị Bích Ngọc (Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh). Chị đã khẳng định mình trong cuộc đời làm báo bằng những bài viết góp phần minh oan cho những người không may bị kết án oan.
Nhà báo Uông Ngọc kể: “Tháng 10-2005, ông Hàn Đức Long (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) bị tố cáo về hành vi hiếp dâm, giết người. Trong quá trình cơ quan chức năng điều tra, xử án, ông Long đã phải nhận tội. Mãi đến cuối năm 2013, lúc này tôi công tác tại Báo Tuổi trẻ & Đời sống, Trưởng ban Phóng sự nhận được một bộ hồ sơ về vụ án của ông Hàn Đức Long do luật sư Ngô Ngọc Trai gửi đến. Chúng tôi được giao nhiệm vụ tìm hiểu lại vụ việc. Bấy giờ gia đình cháu bé bị giết hại vẫn còn rất căm phẫn gia đình người bị kết tội. Cả gia đình cháu còn gây hấn với người bênh vực/ bào chữa cho “tử tù Hàn Đức Long”.
Nhà báo Uông Ngọc đã “cắm chốt” tại Bắc Giang, gặp mặt gia đình người bị tố cáo, tìm hiểu thông tin, gặp gỡ cơ quan chức năng để kiểm chứng và cung cấp cho bạn đọc những bài viết có sức thuyết phục cao. Về phía gia đình ông Hàn Đức Long cũng không ngừng đi kêu oan, để rồi một ngày được đón nhận niềm vui khôn tả. “Lúc mới bị tạm giam, tôi không có cơ hội để chứng minh mình vô tội. Tôi chỉ có 1% hy vọng nhưng sau đó, bình tĩnh lại, tôi nghĩ rằng rồi sẽ có người thấu tiếng mình kêu” - ông Hàn Đức Long chia sẻ.
Tại Bắc Giang, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn cũng gây xôn xao dư luận mà sự giúp sức của các nhà báo, luật sư rất đáng kể. Để có những bài báo chất lượng, xúc động, khơi mở vấn đề, khiến các cơ quan điều tra, tố tụng lật lại vụ án, những nhà báo như chị Ngọc phải chắt chiu, tìm hiểu từng chi tiết, kết nối thông tin, dẫn chứng một cách thuyết phục. “Cùng với hai gia đình ông Long, ông Chấn, chúng tôi tin công lý sẽ được thực thi” - nhà báo Uông Ngọc nhấn mạnh.
Dư luận sẽ còn nhớ rất lâu vụ án oan của ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào (huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh). Chính nhà báo Hàn Ni (Báo Sài Gòn giải phóng) là người đã viết loạt bài đầu tiên, sau đó nhiều báo, tạp chí vào cuộc, các cơ quan chức năng tiến hành điều tra lại, giúp ông Tấn không bị khởi tố về hành vi “kinh doanh trái phép” và được phục hồi các quyền lợi hợp pháp. Nhà báo Hàn Ni chia sẻ, đại gia đình ông Tấn coi chị như người thân, đó là niềm vui, cũng là động lực để chị thực hiện nhiều loạt bài điều tra, giúp đỡ những người bị oan khuất, hoặc đang phải chịu thiệt thòi. Ngày được minh oan, ông Tấn đã thốt lên: “Khó có thể diễn tả cảm xúc. Chắc đến chết tôi vẫn không quên phút được minh oan. Tôi cảm ơn báo chí, dư luận đã quan tâm, ủng hộ và minh oan giúp tôi”.
Cũng nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết của các nhà báo mà trong những năm gần đây, các công dân Trần Văn Thêm (tỉnh Bắc Ninh), Mưu Quý Sường (tỉnh Bắc Giang), Trần Trung Thám (tỉnh Vĩnh Phúc) đã được minh oan. Năm 2021, một vụ án oan với tội danh “Trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa”, xảy ra từ năm 1987 tại tỉnh Quảng Bình, cũng đã được xử lại. Các ông Đinh Xuân Kỳ, Hoàng Trọng Lưu, Đinh Xuân Hồ, Trần Văn Ổn và gia đình ông Đinh Xuân Tạo (đã mất) đã được minh oan nhờ sự tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và sự nhiệt tâm của báo chí.
Không chỉ giúp lật lại án oan, nhiều nhà báo còn đồng hành với người yếu thế. Như nhà báo Đinh Thu Hiền (Báo Phụ nữ Việt Nam) từng viết hàng chục kỳ, bảo vệ cho một nạn nhân bị xâm hại, mà bị cáo Nguyễn Khắc Thủy sau này đã bị xử lý. Hay nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (từng công tác tại các báo An ninh thế giới, Lao động và hiện làm việc tại báo Nông thôn ngày nay) vẫn xông xáo, dấn thân, thực hiện những loạt phóng sự điều tra để bảo vệ lẽ phải, lên tiếng trước những tiêu cực, bất công trong xã hội.
Luật - công cụ đắc lực
Trên thế giới từng có nhiều vụ án oan đã được lật lại nhờ sự vào cuộc của báo chí. Ở nước ta, không ít nạn nhân đã thoát án oan sau rất nhiều năm đằng đẵng nhờ sự công tâm của những nhà báo giàu tâm huyết, lên tiếng cho lẽ phải. Nhà báo Uông Ngọc chia sẻ: “Ở thời đại nào, bản chất của báo chí vẫn là cung cấp thông tin đến người đọc/ nghe/ xem một cách khách quan nhất, chân thực nhất. Khi giải được nỗi oan cho người dân, thì niềm vui ấy không còn của riêng gia đình người được minh oan nữa, mà còn là niềm tin của người dân vào công lý, tin vào việc sửa sai của những người thực thi pháp luật”.
Song, để công lý được thực thi, bảo vệ lẽ phải, theo nhà báo Hàn Ni và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, các nhà báo chuyên viết mảng Điều tra phải biết luật, thậm chí giỏi luật. Việc biết và hiểu luật vô cùng quan trọng, bởi báo chí viết đúng thì sẽ định hướng dư luận, hướng con người đến ánh sáng và đồng thời vạch rõ cái sai, phá tan cái bất công.
Từ việc góp phần minh oan cho những người bị oan, các nhà báo tái khẳng định giá trị của những ngòi bút nhân văn và giá trị của báo chí nhân văn. Điều đó cũng sẽ góp sức đắc lực thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội. Nhà báo dám dấn thân vào đề tài khó cần được ưu tiên về công tác phí, “diện tích đất diễn” trên mặt báo. Hội Nhà báo Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ nhà báo và điều đó cần được phát huy hơn nữa.
Án oan có ở mọi nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, sự cố gắng của báo chí những năm vừa qua đã góp phần động viên, cung cấp thông tin để các cơ quan thực thi luật pháp có thêm cơ sở đưa ra phán quyết đúng đắn, nhân văn.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh từng chia sẻ: “Để giảm án oan, phải tuân thủ triệt để pháp luật tố tụng trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ, đặc biệt là ở giai đoạn điều tra. Bên cạnh đó, khả năng phản biện trong mỗi cơ quan tố tụng và liên ngành tố tụng là rất cần thiết”.