Đăng ký biện pháp bảo đảm - dịch vụ công mức độ 4 đầu tiên của Bộ Tư pháp

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:55, 16/06/2022

(HNM) - Sau nhiều năm chủ động nghiên cứu, đề xuất, áp dụng các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải tàu bay, tàu biển), đến nay, việc cung cấp dịch vụ công tại các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), là dịch vụ công mức độ 4 đầu tiên và duy nhất của Bộ Tư pháp ở thời điểm này.

Với việc triển khai Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm, các tổ chức, cá nhân trong xã hội khi nhận bảo đảm bằng tài sản hoặc nhận chuyển nhượng (mua) tài sản có thể dễ dàng tra cứu thông tin về việc tài sản đang được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác và biết được ai là người nhận bảo đảm đối với tài sản đó.

Để có được thông tin, các tổ chức, cá nhân không phải trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký để tra cứu thông tin về tài sản. Việc tra cứu dữ liệu thông tin được thực hiện hoàn toàn qua mạng internet, thủ tục tra cứu thông tin đã được đơn giản hóa, thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và không làm phát sinh sự nhũng nhiễu, tiêu cực từ phía các cơ quan nhà nước.

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng phiếu yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm tại các trung tâm đăng ký có sự phát triển, tăng trưởng ổn định qua các năm; năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tăng mạnh từ khi Hệ thống đăng ký trực tuyến được đưa vào sử dụng và có bước tăng trưởng vượt bậc từ sau khi Hệ thống đăng ký trực tuyến được nâng cấp, hoàn thiện lên mức độ 4, tốc độ tăng trưởng trung bình qua các năm tăng 145%, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm đạt 45%.

Hiện tại, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đã chiếm 81% trên tổng số yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản.

Bách Sen