Bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV
Chính trị - Ngày đăng : 16:35, 16/06/2022
Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đại biểu Quốc hội...
Khắc phục tình trạng triển khai chậm - kém hiệu quả
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ ba đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 5 luật, 16 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp, cho ý kiến về 6 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.
Để các luật, nghị quyết của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đi nhanh vào cuộc sống và sớm phát huy hiệu quả, ngay sau kỳ họp, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, khắc phục tình trạng “quyết sách đúng - trúng - kịp thời, nhưng triển khai chậm - kém hiệu quả”.
“Các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả của kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục đồng sức, đồng tâm cùng Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thách thức, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội sau đại dịch”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, qua mỗi một kỳ họp, với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện, Quốc hội có thêm bài học quý để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân. Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình kỳ họp, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và kết thúc thời gian kỳ họp như dự kiến....
“Chúng ta tin tưởng rằng, với kết quả của kỳ họp thứ ba và các luật, nghị quyết, chính sách mới được ban hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Quốc hội thông qua 5 luật và 17 nghị quyết
Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV (trong đó có việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; nội dung liên quan đến dự án đường Hồ Chí Minh và việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước).
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội đã xem xét, thông qua 5 luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Điện ảnh, Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Cảnh sát cơ động; thông qua 17 Nghị quyết. Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 6 dự án luật: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Dầu khí (sửa đổi).
Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành những quyết sách đúng đắn, kịp thời, tạo tiền đề căn bản để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, GDP quý I đạt 5,03% và tiếp tục tăng trưởng khá trong quý II; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt hơn 305 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021, cán cân thương mại thặng dư; thu ngân sách nhà nước đã đạt hơn 57% dự toán năm, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; lãi suất huy động và tỷ giá tăng, song vẫn trong tầm kiểm soát.
Cùng với đó, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được cải thiện tích cực. Văn hóa, thể thao, du lịch tiếp tục có chuyển biến tích cực, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Đời sống, việc làm, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng và tăng cường. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; các sai phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đã được nhận diện, xử lý nghiêm và kiểm soát, lành mạnh hóa.
Nghị quyết cũng nêu rõ, bên cạnh kết quả đạt được, các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro. Việc thực hiện một số kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra, các cơ quan chức năng khác chưa nghiêm; nguy cơ nợ xấu, lạm phát tăng cao; sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến tích cực. Đồng thời, còn nhiều vi phạm nghiêm trọng trong công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế; một số nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội triển khai chưa kịp thời, hiệu quả.
Vì thế, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Trong đó, bám sát diễn biến và dự báo tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và động thái chính sách của ngân hàng trung ương các quốc gia, nhất là các nền kinh tế lớn đến nước ta để kịp thời có giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả, đồng bộ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và nhóm tiêu chuẩn, định mức cụ thể để bảo đảm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công…