Thúc đẩy hợp tác Nhật Bản - Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh
Kinh tế - Ngày đăng : 14:13, 15/02/2023
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, trong những năm qua, thế giới chứng kiến những xu hướng lớn về địa chính trị, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, biến đổi khí hậu… Để giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu, hướng tới tăng trưởng xanh thì thời gian qua, các nền kinh tế cũng như Việt Nam đã xác định yêu cầu phải nỗ lực nhiều hơn và gia tăng hợp tác quốc tế gắn với phát triển kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động đề ra nhiều giải pháp thích ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Ngoài ra, cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU).
Trên thực tế, để hóa giải những thách thức biến đổi khí hậu, thời gian qua, Việt Nam đã có những chương trình hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực tăng trưởng xanh nói riêng và những hoạt động này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng trong hợp tác với Nhật Bản, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng bền vững, phát triển nguồn nhân lực.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nhật Bản luôn là một trong số nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Hai bên còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, nhất là khi hai nước đều là thành viên của CPTPP đã đi vào thực hiện, hay Khung khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) đang trong quá trình đàm phán. Cả CPTPP và IPEF cùng có những nội dung hợp tác liên quan đến tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực chính có nhiều tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam bao gồm: Thiết bị điện và điện tử, kiến trúc bằng gỗ, điện gió, điện sinh khối, chia sẻ điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, canh tác hữu cơ…
Một số lĩnh vực chính có nhiều tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam bao gồm thiết bị điện và điện tử, kiến trúc bằng gỗ, điện gió, điện sinh khối, chia sẻ điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, canh tác hữu cơ...
Trên cơ sở đó, Nhật Bản và Việt Nam có thể cân nhắc 4 định hướng thúc đẩy hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh trong thời gian tới, bao gồm: Thứ nhất, nâng cao năng lực thể chế, quy định, chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh. Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững ở Việt Nam. Thứ ba, hợp tác thúc đẩy chuỗi giá trị ít carbon, ít phát thải. Thứ tư là, hợp tác, thúc đẩy xây dựng các điều ước quốc tế, quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tăng trưởng xanh.
“Các bên liên quan của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mong đợi cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ từ các đối tác Nhật Bản, nhưng cần tiếp tục cải thiện chất lượng kết nối dịch vụ từ trong nước (về hậu cần, kỹ thuật số và kỹ năng lao động)”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nhấn mạnh.