Kiến tạo xã hội nhân văn
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:04, 18/06/2022
Chuyện của Hợp tôi đã láng máng biết qua anh bạn. Mấy tháng nay cậu ta chung vốn với bạn thuê mấy nghìn mét đất tại một khu vực giáp ranh đang đô thị hóa mạnh để mở ga ra sửa chữa, mua bán ô tô cũ. Cạnh ga ra của Hợp là hai sân bóng đá mini và mấy hộ kinh doanh cây cảnh... Tất cả đều có nguồn gốc đất nông nghiệp, nhiều năm nay không trồng cấy gì, và trong lúc chờ thực hiện quy hoạch thì người dân cho thuê ngắn hạn... Có lẽ vì thế mà các hộ kinh doanh và chính quyền địa phương liên tục bị báo chí “thăm hỏi”. Hợp kể, mỗi lần “được” tin sẽ có phóng viên đến “làm việc” là phải chuẩn bị phong bì, “nhẹ cũng vài củ”. Nhìn những cái tên tạp chí, trang tin điện tử lạ hoắc trên tập “các vi dít” Hợp xòe ra, tôi lại nhớ không ít lần nghe lãnh đạo quận, phường nào đó kể chuyện bị báo chí “đánh hội đồng” mà thấy ngao ngán.
Việc một bộ phận phóng viên chuyên “đánh đấm” kiểu này là một thực trạng tồn tại lâu nay, được xem là “góc khuất của làng báo”, và dư luận gọi họ là “phóng viên IS”, “nhà báo đếm tầng”... Đã có không ít người bị pháp luật “sờ gáy”, đơn cử như vụ hai phóng viên của một tạp chí bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam (tháng 7-2020), hay mới đây là hồi tháng 4-2022, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố, bắt tạm giam một nữ nhà báo công tác tại một đài truyền hình kỹ thuật số.
Trước đó, cuối tháng 3-2022, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam một nữ nhà báo (nguyên là Phó Trưởng phòng một cơ quan báo chí có trụ sở tại Hà Nội). Tất cả đều liên quan đến hành vi “chiếm đoạt tài sản”...
Những tưởng đó sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh, thế nhưng tình trạng một bộ phận người cầm bút lấy danh nghĩa “chống tiêu cực”, thực chất là vòi vĩnh, tống tiền tổ chức, cá nhân vẫn tái diễn, gây bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của nghề báo - xưa nay vốn được xã hội xem là một nghề cao quý, đồng thời ảnh hưởng đến danh dự của những người làm báo chân chính.
Có những vi phạm “bé như mắt muỗi” nhưng các nhà báo đến “làm việc” tới tấp, khi cơ sở "thỏa mãn" người này, nhóm này thì người khác, nhóm khác lại đến, cứ như giữa họ có một mối liên kết nào đấy. Đáng nói là tất cả đều có giấy giới thiệu đóng dấu đỏ của cơ quan, kể cả đó là những tờ báo, tạp chí, trang tin điện tử không hề có chức năng thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực xảy ra vi phạm, tiêu cực. Như trường hợp của em vợ bạn tôi cũng chưa là gì so với một người dân ở quận Hoàn Kiếm phải “làm việc” với 182 “nhà báo” chỉ vì hành vi... xây lòi thêm cái tum thang!
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “phóng viên IS”, "nhà báo đếm tầng” thì có nhiều, nhưng cơ bản là sức ép của cơ chế thị trường, áp lực thu - chi khiến nhiều cơ quan báo chí không chú trọng rèn giũa, nâng cao nghiệp vụ cũng như nhận thức, đạo đức cho phóng viên, không những thế còn buông lỏng quản lý, thậm chí khuyến khích cấp dưới đem “nguồn thu” về bằng mọi giá; bên cạnh đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị, yếu kém về văn hóa cũng như phẩm chất đạo đức của một số người làm báo. Những hành vi như vậy đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức của nghề báo, thậm chí vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm khắc.
Một nền báo chí lành mạnh, nhân văn sẽ góp phần kiến tạo, xây dựng một nền văn hóa lành mạnh và nhân văn. Và để làm được điều này đòi hỏi phải có một đội ngũ làm báo vững về nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức trong sáng, nhiệt huyết với nghề, luôn ý thức được trách nhiệm của nghề báo và nhà báo, trên hết là trách nhiệm công dân. Nói một cách ngắn gọn là “bút sắc, lòng trong” và đó luôn là mong muốn, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người làm báo.