Chung tay vì môi trường xanh
Công nghệ - Ngày đăng : 07:25, 18/06/2022
Ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và kỹ thuật An Ngọc:
Cần có chính sách cụ thể nhằm kích cầu sử dụng năng lượng sạch
Việc sử dụng điện mặt trời phát triển mạnh tại Hà Nội từ năm 2017 đến năm 2019. Bởi khi đó Chính phủ có chủ trương khuyến khích người dân lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng và có thể bán lại phần điện dư cho ngành Điện. Tuy nhiên, ngày 6-4-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, thay thế Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và có điều chỉnh giá mua điện thấp xuống nên số lượng lắp đặt thiết bị cung cấp điện mặt trời tại các hộ dân giảm đi.
Sử dụng năng lượng mặt trời có nhiều ưu điểm so với các nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ cạn kiệt trong tương lai, bởi năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, việc dùng năng lượng mặt trời có ích trong việc bảo vệ môi trường nhiều hơn việc dùng than đá hay thủy điện. Tiếp theo là thiết bị đơn giản, dễ lắp đặt, vận hành tự động, tấm pin có tuổi thọ từ 25 - 30 năm, việc bảo trì bảo dưỡng dễ dàng, lại không phải lắp đường truyền tải điện. Đặc biệt, tính năng hấp dẫn nhất của năng lượng mặt trời đối với chủ nhà là tiết kiệm đáng kể hóa đơn tiền điện hằng tháng.
Để có thể nhân rộng, phát triển điện năng lượng mặt trời, theo tôi, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ về giá, cơ chế mua bán điện đối với các hộ dân, hoặc có phương án kích cầu để người dân lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời nhiều hơn...
Bà Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân:
Nỗ lực vì môi trường xanh - sạch - đẹp
Nhận thức được tác hại của bếp than tổ ong với sức khỏe cộng đồng, sau khi Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30-10-2019 của UBND thành phố Hà Nội được ban hành, Hội Phụ nữ quận Thanh Xuân đã phối hợp với Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng mở 5 lớp tập huấn với trên 600 cán bộ hội viên để cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên và nhân dân thay thế bếp than tổ ong bằng các loại bếp thân thiện môi trường.
Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân cũng chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các phường triển khai tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức như phát thanh trên loa truyền thanh phường, tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề, qua mạng zalo, facebook, phát tờ rơi... đến cán bộ, hội viên phụ nữ, nhân dân trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền là Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND thành phố về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc thay thế bếp than tổ ong bằng các loại bếp thân thiện với môi trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đã phối hợp hỗ trợ 70 gia đình chuyển từ bếp than tổ ong sang sử dụng các loại nguyên liệu khác với tổng số tiền hỗ trợ là 14 triệu đồng; vận động nhiều hộ dân tự bỏ tiền ra mua loại bếp thân thiện với môi trường. Hội phụ nữ cơ sở đã vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để tặng bếp ga, bếp từ cho 22 hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn để thay thế bếp than tổ ong với tổng trị giá trên 40 triệu đồng...
Tôi hy vọng, sau những nỗ lực của thành phố, các cấp chính quyền, tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong sẽ được người dân nhận thức đầy đủ hơn, để từ đó chung tay cùng chính quyền thành phố tiến tới xây dựng một “Thành phố không khói than tổ ong”, từng bước xây dựng Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp - văn minh.
Ông Nghiêm Thọ Thoan, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh:
Xử lý triệt để việc đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND Thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, UBND huyện Đông Anh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Cụ thể, huyện đã in tờ rơi tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ và các biện pháp hạn chế để phát cho các hộ gia đình; tổ chức các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ và các giải pháp hạn chế, đồng thời hướng dẫn các hộ gia đình triển khai thực hiện các biện pháp xử lý rơm rạ tại ruộng; phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng các phóng sự, clip, viết bài đưa tin rộng rãi về nhiệm vụ nhằm tuyên truyền đến toàn thể người dân trên địa bàn.
Mới đây, ngày 22-2-2022, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND về việc triển khai hỗ trợ chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ sau thu hoạch và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn huyện, theo đó hỗ trợ 115.500 gói chế phẩm vi sinh được phân bổ cho 22 xã có hoạt động trồng lúa với tổng diện tích 5.386ha.
Thành quả đã tới sau những nỗ lực của huyện Đông Anh, đó là hầu hết rơm rạ, phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường, không còn tình trạng đốt rơm rạ, sản phẩm phụ cây trồng và chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn. Huyện cũng phổ biến thành công các công nghệ, kỹ thuật phù hợp trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng... Tất cả những nỗ lực trên của các cấp chính quyền huyện Đông Anh nhằm góp phần giữ gìn môi trường sống luôn xanh - sạch - đẹp, chung tay xây dựng huyện Đông Anh trở thành một miền quê đáng sống.