''Chìa khóa'' mở cánh cửa tương lai
Chuyện đó đây - Ngày đăng : 13:42, 18/06/2022
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, nhiệt độ trái đất đã tăng 1,2oC so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp (1850 - 1870). Khi nhiệt độ trái đất tăng 1,5oC, gần một tỷ người sẽ phải thường xuyên đối mặt với những đợt nắng nóng nghiêm trọng; hàng trăm triệu người rơi vào cảnh thiếu nước ngọt do hạn hán; nhiều loài sinh vật sẽ tuyệt chủng. Nếu tăng 2oC, các đảo nhỏ và một số quốc gia ven biển có thể sẽ biến mất do nước biển dâng. Điều này có thể khiến tình trạng biến đổi khí hậu đạt đến mức độ “không thể đảo ngược”.
Trước những con số đáng báo động này, nhiều quốc gia đã chủ động đưa ra kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon và tập trung phát triển năng lượng xanh. Tại Đức, một trong những quốc gia cam kết cắt giảm khí phát thải nhà kính về 0 vào năm 2050, mục tiêu chậm nhất đến năm 2025 sẽ sản xuất được 50% điện từ năng lượng tái tạo, còn gọi là năng lượng xanh, không còn xa vời. Ngoài việc khuyến khích phát triển điện gió trên biển, chính phủ Đức đang đẩy mạnh phát triển điện mặt trời. Nhiều bang tại Đức quy định bắt buộc các căn nhà riêng xây mới phải lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái với tối thiểu 8 tấm pin, đủ dùng cho nhu cầu đun nước nóng cơ bản sử dụng trong nhà.
Theo thống kê, hiện tại, điện mặt trời đang giữ vị trí số 1 trong các nguồn năng lượng tại Đức, chiếm 19,2% tổng sản lượng điện. Sở dĩ việc phát triển điện từ năng lượng mặt trời tại Đức bùng nổ trong những năm qua là do chi phí giảm khi giá thành các module quang điện hạ xuống mức rất thấp, trong khi nhiều nhà máy lớn đầu tư hệ thống điện mặt trời riêng để giảm chi phí năng lượng cũng như đạt được các yêu cầu về mức độ phát thải carbon trong việc bảo vệ môi trường.
Còn ở Trung Đông, dù là một quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống thất (UAE) đã sớm tập trung nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng sạch cho tương lai. Thời gian đầu, quốc gia này gặp phải không ít khó khăn về chuyển đổi công nghệ, song UAE đã vượt qua những thách thức đó và thực sự đã trở thành một hình mẫu trong khu vực về phát triển nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Trong Chiến lược năng lượng tới năm 2050, chính phủ UAE đã đưa ra nhiều sáng kiến và chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái sinh nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng. Hiện nay, điện mặt trời là một trong những nguồn năng lượng tái tạo phức hợp đang được triển khai rộng rãi ở UAE nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng, đồng thời phục vụ quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước.
Với một kế hoạch rõ ràng, UAE đã tạo dựng môi trường pháp lý và tích cực hỗ trợ nguồn đầu tư cho sự phát triển liên tục của tài nguyên năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, UAE vẫn phải đối mặt với một số thách thức về công nghệ, như cải thiện khả năng lưu trữ năng lượng mặt trời được tạo ra vào ban ngày và điều độ hiệu quả lưới điện quốc gia. Các sáng kiến nghiên cứu và phát triển để giải quyết việc lưu trữ pin quang điện đang được triển khai, nhưng sẽ mất một thời gian trước khi pin mặt trời và bộ lưu trữ năng lượng có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nguồn điện năng truyền thống.
Ngoài năng lượng mặt trời, điện gió cũng là nguồn năng lượng được nhiều quốc gia phát triển. Các “trại gió” liên tục được mở rộng tại Tây Ban Nha trong những năm vừa qua đã giúp đưa nước này lên hàng thứ 3 trong số những nước điện gió phát triển nhất thế giới, sau Mỹ và Đức, cung cấp 53% tổng nhu cầu điện lực tại quốc gia này. Tổng sản lượng của các “trại gió” này tương đương 11 nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, ngành sản xuất điện gió đóng góp vào cơ cấu sản lượng điện của Tây Ban Nha hơn bất cứ loại điện nào khác với sự tham gia của 500 công ty tư nhân, trong số đó có 150 công ty chuyên sản xuất thiết bị. Tây Ban Nha luôn tự hào rằng họ có nguồn năng lượng xanh tốt nhất thế giới.
Không chỉ có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đảm bảo an ninh năng lượng đối với các quốc gia, việc sử dụng năng lượng xanh còn được ví như chiếc “chìa khóa” mở ra cánh cửa tương lai khi góp phần giảm thiểu tác động có hại đối với môi trường tự nhiên, giúp giảm chi phí xã hội trong dài hạn và đem lại các nguồn lợi lớn cho nền kinh tế các quốc gia.