Xây dựng phường, thị trấn chuẩn văn minh đô thị: Góp phần nâng chất lượng sống
Đời sống - Ngày đăng : 07:34, 18/06/2022
Tổ chức mô hình điểm
UBND quận Ba Đình vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền xây dựng phường Điện Biên là phường điểm về kỷ cương và văn minh đô thị, nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 59/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, phường điểm về văn minh đô thị cần bảo đảm các tiêu chí về an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, kỷ cương trong quản lý đô thị, xây dựng, cũng như xây dựng nếp sống văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cơ sở để nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn trong thời gian tới.
Còn theo Chủ tịch UBND phường Điện Biên Nguyễn Chí Trung, phường chọn đơn vị làm điểm, tổ chức họp chuyên đề bàn giải pháp xây dựng tổ dân phố kiểu mẫu; ra quân chỉnh trang đô thị, phát động phong trào “phủ xanh gốc cây”; xây dựng quy định chi tiết về việc quản lý chỗ đỗ xe, kẻ vạch phần diện tích được buôn bán, giải quyết dứt điểm tình trạng họp chợ, buôn bán tự phát…
Cùng mục tiêu xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông vừa tiến hành khảo sát công tác quản lý và sử dụng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Trước đó, quận cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2022”, trong đó đặt ra chỉ tiêu có 2 điểm phường đạt chuẩn văn minh đô thị thời gian tới.
Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông Vũ Minh Thu, cái khó trước mắt vẫn là tiêu chí về thiết chế văn hóa, khi có tới 49/250 tổ dân phố chưa có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Quận dự kiến xây dựng phường văn minh đô thị tại các phường: Văn Quán, Mộ Lao, Hà Cầu, Phú La, Phú Lãm, song hầu hết đều vướng vào tiêu chí thiếu hoặc chưa đồng bộ về thiết chế văn hóa.
Nỗ lực cho mục tiêu chuẩn văn minh đô thị
Thực hiện Kế hoạch số 59/KH-UBND của UBND thành phố, thời gian này, nhiều địa phương đã đặt ra mục tiêu, lộ trình phấn đấu xây dựng phường, thị trấn văn minh đô thị.
Quận Bắc Từ Liêm đặt ra mục tiêu, 13/13 phường đăng ký xây dựng phường văn minh đô thị, 3/13 phường được công nhận; quận Long Biên chọn 3 phường và 12 tuyến đường, tuyến phố xây dựng phường văn minh đô thị và tuyến phố văn minh đô thị; các quận: Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân… phấn đấu có từ 2 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Với mục tiêu này, các địa phương cần thực hiện đủ 9 tiêu chí về quy hoạch, giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, đời sống văn hóa, thể thao... Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương gặp khó trong việc hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, chỉ có 31% tổ dân phố thuộc phường, thị trấn trên địa bàn thành phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng; nhiều điểm chỉ đáp ứng được việc hội họp.
Trước tình hình này, mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung quy hoạch tổng thể thiết chế văn hóa cơ sở, rà soát, cập nhật vào quy hoạch chung của thành phố; nghiên cứu, đề xuất đầu tư nhà nước và xã hội hóa vào thiết chế văn hóa, đồng thời tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách cho các thiết chế văn hóa, quy chế khai thác, quản lý hoạt động cũng như hướng dẫn về cơ chế tự chủ kinh phí...
Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên cho biết, các địa phương xây dựng phường, thị trấn chuẩn văn minh đô thị có 2 năm để hoàn thành các tiêu chí trước khi được tiến hành đánh giá, bình chọn. Với tiêu chí về thiết chế văn hóa, các địa phương có thể xem xét giải pháp chuyển đổi mục đích sử dụng đất các khu xen kẹt, các công trình sử dụng không hiệu quả để xây dựng thiết chế văn hóa. Những nơi không có khả năng bố trí quỹ đất, có thể đặt vấn đề với các trung tâm văn hóa hay các thiết chế văn hóa của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể… đóng trên địa bàn chưa sử dụng hết công suất để xây dựng quy chế phối hợp khai thác nhằm mang lại hiệu quả về đời sống văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.