Tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của Việt Nam
Đời sống - Ngày đăng : 12:40, 18/06/2022
Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm mở ký Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và 10 năm Luật Biển Việt Nam nhằm góp phần nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của công chúng đối với các vấn đề lịch sử, pháp lý về UNCLOS nói chung và pháp luật biển, đảo Việt Nam nói riêng cũng như tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển.
Tham gia tọa đàm có: PGS.TS, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017-2021; TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn đại dương toàn cầu (GOF); Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cùng nhau trao đổi và làm rõ ý nghĩa của 40 năm thực hiện UNCLOS; 10 năm Luật Biển Việt Nam và chủ đề “Việt Nam - Đất nước nhìn từ biển”. Các diễn giả khẳng định, ngày 10-12-1982 đánh dấu một sự kiện pháp lý quan trọng trong quá trình phát triển của luật pháp quốc tế, đó là sự ra đời của một văn kiện được coi như bản Hiến pháp của biển và đại dương UNCLOS.
Sự ra đời của UNCLOS chấm dứt một thời gian dài các mâu thuẫn, tranh cãi và căng thẳng, thậm chí hỗn loạn trên các đại dương và vùng biển trên thế giới. Từ đó về sau, các quy định của luật biển quốc tế không chỉ bao gồm UNCLOS, mà còn xoay quanh UNCLOS. Mọi sự phát triển hay diễn giải luật biển đều phải lấy UNCLOS làm trung tâm và không được trái với các quy định của Công ước.
Các diễn giả cũng nhấn mạnh rằng, trong 40 năm qua, các nước trên thế giới, ngay cả chưa phê duyệt UNCLOS 1982, cũng luôn viện dẫn Công ước này khi giải quyết tranh chấp trên biển. Điều đó có thể thấy, sự ra đời của UNCLOS đã giúp các quốc gia phân định, quản lý biển hiệu quả hơn, đồng thời cung cấp các cơ chế giải quyết xung đột một cách hiệu quả.
Tham gia chương trình trực tuyến còn có GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về UNCLOS 1982 cũng như Luật Biển quốc tế, thuộc Đại học New South Wales, Australia. GS Carl Thayer cho rằng: “Điểm đặc trưng duy nhất chỉ có ở công ước UNCLOS là nó đã thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Nếu hai bên xảy ra tranh chấp, họ có thể viện dẫn UNCLOS để giải quyết tranh chấp. Đây là một thỏa thuận trọn gói, có nghĩa là khi bạn đã ký vào Công ước, bạn không thể lựa chọn những phần bạn muốn tham gia. Bạn phải tuân thủ tất cả các quy định. Nếu chúng ta thực sự muốn một trật tự dựa trên luật lệ, thì hãy khiến UNCLOS giống như một trọng tài và khi đưa ra một thẻ đỏ, cầu thủ phải rời khỏi sân”.
Chương trình Tọa đàm “Việt Nam - Đất nước nhìn từ biển” sẽ được phát sóng vào 20h45 ngày 19-6-2022 trên sóng và các nền tảng số của Truyền hình Quốc hội Việt Nam, đồng thời được tiếp sóng trực tiếp bởi Đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố có biển và giáp biển trên cả nước.