Nhân rộng mô hình trồng cây atiso: Cơ hội để Sa Pa bứt phá, phát triển
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:48, 18/06/2022
Thay đổi tập quán - bước đầu gian nan
Nếu đi du lịch Sa Pa vào mùa hè, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác hưởng đủ 4 mùa trong 1 ngày. Ngoài những địa điểm du lịch nổi tiếng đã quá quen với du khách như nhà thờ Đá, núi Hàm Rồng, đỉnh Fansipan... thì còn điểm đến hấp dẫn khác là những cánh đồng hoa atiso. Đặc biệt, từ tháng 5 đến tháng 6 là mùa hoa atiso Sa Pa nở rộ, các khu vườn dược liệu ngập một màu tím biếc khiến du khách thích thú check-in. Nhưng, điều đáng kể nhất là loại cây này góp phần giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Cây atiso được người Pháp đưa về trồng tại núi rừng Sa Pa hàng trăm năm trước nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh trong 10 năm trở lại đây, khi atiso là một thành phần chủ chốt trong 3 loại dược liệu sản xuất thuốc bổ gan Boganic của Công ty Traphaco. Hiện loài cây dược liệu này đem lại nguồn thu 8 tỷ đồng mỗi năm cho 200 gia đình người Mông và người Dao vùng cao.
Anh Đỗ Tiến Sĩ, Giám đốc Công ty Traphaco Sa Pa, người đã lăn lộn hơn 10 năm để gây dựng vùng trồng hơn 50ha atiso cho biết, hơn 10 năm trước, người dân Sa Pa thấy rằng việc trồng cây dược liệu cho thu nhập hơn hẳn so với trồng lúa, ngô, sắn. Nhưng bà con người dân tộc rất ngại thay đổi, họ chỉ quen với tập quán canh tác đã có từ lâu đời. Đó là cái khó. Anh Đỗ Tiến Sĩ kể câu chuyện thật mà như đùa: “Mình đã phải đầu tư 9 khối rượu để đi phát triển vùng trồng. Có nghĩa là khi đi vận động mình mời một số bà con đến chỗ này chỗ kia để vừa ăn uống vừa chuyện trò, chứ nếu chỉ đứng ở ruộng mà nói thì câu chuyện cũng không đâu vào đâu cả. Lúc đó, khi uống rượu có khẩu lệnh hô là: Một, hai, ba, atiso!”.
Vượt qua khó khăn ban đầu, nhận được cái gật đầu đồng ý của bà con rồi thì phải lo vốn và giống. Thời gian đầu, để bà con yên tâm trồng atiso, ngoài 12 triệu đồng do chính quyền huyện Sa Pa hỗ trợ thì công ty đã tạm ứng 20 triệu đồng cho mỗi 1.000m2. Đó là việc khá liều lĩnh với một công ty vừa mới thành lập như Traphaco Sa Pa bởi việc thất thoát hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh công ty chỉ có 1,3 tỷ đồng vốn mà phải ứng 500 triệu đồng cho các hộ dân. Nhưng anh Đỗ Tiến Sĩ có niềm tin với đồng bào, luôn theo sát họ, gần như ngày nào anh cũng đi một vòng đến tất cả các hộ dân để nhắc nhở họ về công việc phải làm, sắp xếp mô hình sản xuất cho họ. Rất may là hộ nào cũng thành công, Công ty thu hồi được vốn. Trước đây, việc trồng atiso không phải là không có thất bại, mà nguyên nhân chính là do nhập giống của nước ngoài nên không thích nghi ngay với thổ nhưỡng của vùng, cây mọc lên nhiều gai, ít lá. Được ông Trần Khắc Bảo, chuyên gia về giống cây trồng ở Viện Dược liệu tư vấn: “Giống phải đi trước một bước”, anh tới nhà các hộ dân có kinh nghiệm hỏi cách giữ và bảo quản giống, một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Khi đó giống yếu lắm, anh đặt hàng các hộ dân có kinh nghiệm để giống tốt cho công ty. Tiếp đó, anh cho san gạt một quả đồi để làm vườn cây giống. Sau một quá trình chọn lọc tự nhiên, hạt giống đã phát triển ổn định và khỏe lên. Bây giờ hạt giống tốt, bảo đảm 100% diện tích trồng tạo ra sản lượng tiêu thụ của Traphaco và còn dư để bán đi cho các vùng trồng khác trên cả nước.
Hướng đi của tương lai
Dẫn tôi đến một khoảnh vườn trồng atiso rộng khoảng 6.000m2 của gia đình “công nhân dược liệu” Má A Chu, người dân tộc Mông ở thôn Má Tra, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, anh Nguyễn Phú Trí, Phó Trưởng phòng Phát triển kinh doanh, phụ trách phát triển vùng nguyên liệu Công ty Traphaco Sa Pa vui vẻ giới thiệu, trước đây, mảnh vườn này anh Má A Chu chỉ trồng lúa và chăn nuôi, thu nhập mỗi năm không đáng kể, chỉ 20 - 30 triệu đồng. Từ năm 2011, khi tham gia trồng atiso theo hợp đồng với Công ty Traphaco Sa Pa đến nay, gia đình anh có thu nhập bình quân 170 triệu đồng/năm, trong đó, thu nhập từ atiso bình quân đạt 110 triệu đồng, năm 2018 cao nhất được 160 triệu đồng. Ngoài atiso, gia đình trồng rau trái vụ, thu được 30 triệu đồng/năm, 12 triệu/năm từ lúa và thêm 18 triệu đồng/năm nữa từ chăn nuôi. Trò chuyện với chúng tôi, Anh Má A Chu phấn khởi cho biết: “Từ ngày có cây atiso, gia đình tôi đã làm được cái nhà gỗ rộng 120m2, mua được 2 chiếc xe máy, sắm được máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất và các vật dụng cần thiết trong nhà như tivi, tủ lạnh...”.
Nhà chị Hạng Thị Vang ở thôn Suối Hồ, xã Sa Pả là một trong những hộ điển hình về trồng atiso theo tiêu chuẩn GACP-WHO nhiều năm liền. Cũng như anh Má A Chu, gia đình chị trước đây chỉ trồng lúa và ngô, thu nhập chỉ đạt 15 đến 20 triệu đồng/năm, kinh tế rất khó khăn. Từ khi chuyên tâm với atiso, chị Hạng Thị Vang huy động cả gia đình trồng atiso. Từ đó, thu nhập của gia đình chị đã đạt 150 triệu đồng/năm, trong đó, thu nhập từ atiso là 100 triệu đồng. Giới thiệu với chúng tôi về vườn atiso của mình, chị Vang nở nụ cười chân chất: “Sau 10 năm gắn bó với cây dược liệu này, hiện gia đình tôi đã có 2 căn nhà kiên cố, 1 nhà gỗ rộng 100m2, 1 nhà 2 tầng 100m2 mới xây năm 2021 với chi phí 800 triệu đồng. Nhà có 3 chiếc xe máy cùng với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại cần thiết cho gia đình. Thu nhập hằng năm tôi tích lũy gửi ngân hàng hoặc tái đầu tư cho sản xuất”.
Đây chỉ là 2 trong số 200 hộ dân đang tham gia trồng atiso thành công ở Sa Pa và Bắc Hà. Mỗi năm, bà con thu hoạch đạt 2.200 tấn dược liệu tươi bán cho Công ty Traphaco Sa Pa. Việc tham gia trồng các cây dược liệu làm thuốc đã có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế của người dân nơi đây. Từ thành công ban đầu, họ tuyệt đối tin tưởng vào hướng phát triển sản phẩm của công ty, từ đó bà con cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, cùng nhau góp vốn giúp đỡ các hộ dân thiếu vốn khác, nhân rộng vùng trồng atiso tại địa phương.
Ô nhiễm môi trường, dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm thảo dược dần trở thành xu hướng trên thế giới. Đó là mô hình du lịch trải nghiệm, dựa trên nền vùng trồng thảo dược đã có, đặc biệt tại những vùng sâu, vùng núi cao, để giới thiệu cho du khách các món ăn, bài thuốc, các phương pháp chăm sóc sức khỏe từ các loại cây dược liệu trồng quanh nhà; du khách có thể tự thu hái, chế biến mang về. Trên 100ha dược liệu quý, trong đó có trên 50ha cây atiso, 50ha chè dây, đương quy, đảng sâm, đan sâm... là một vùng dược liệu rộng lớn cho phát triển du lịch. Ngoài atiso, đồng bào đang được gợi ý trồng thêm các cây chè dây, giảo cổ lam, đảng sâm, chè Shan tím, chè Xa Phó, sâm Ngọc Linh để hình thành một vườn dược liệu gia đình phong phú. Đó là cơ sở để du khách khi đến với các homestay thảo dược không chỉ được tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cách thu hái, chế biến... mà còn được giới thiệu về đặc điểm, tính chất, công dụng của từng loại dược liệu...
Việc phát triển kinh tế - du lịch gắn với thảo dược không chỉ tạo thêm nguyên liệu để sản xuất thuốc, gia tăng công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần làm thay đổi tập quán sinh hoạt, cách làm, bảo tồn nét văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường. Loại hình du lịch này sẽ là hướng đi bền vững trong tương lai. Khi các hộ dân trong vùng trồng nguyên liệu thảo dược tại Sa Pa tận dụng được tiềm năng sẵn có thì đây chính là cơ hội để du lịch Sa Pa bứt phá, phát triển.