WTO thông qua gói thỏa thuận lịch sử: Bước tiến mang ý nghĩa toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 06:55, 19/06/2022

(HNM) - Sau nhiều ngày đàm phán, cuối cùng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thông qua một thỏa thuận lịch sử, là bước tiến mang ý nghĩa toàn cầu, trong đó có các cam kết về y tế, cải cách và an ninh lương thực. Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhận định, thỏa thuận chưa từng có này sẽ giúp đem lại sự thay đổi cho đời sống của nhiều người trên thế giới. Kết quả đạt được cũng chứng minh WTO có khả năng giải quyết các trường hợp cấp bách của thời đại này.

Gói thỏa thuận lịch sử đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Gói thỏa thuận lịch sử được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO, tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 12 đến 17-6. Ban đầu, hội nghị dự kiến kết thúc vào ngày 15-6, sau đó kéo dài thêm 2 ngày. Đây là hội nghị đầu tiên của WTO trong 4 năm qua và được xem là "phép thử" cho khả năng đạt thỏa thuận thương mại đa phương trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới.

Gói thỏa thuận được WTO thông qua gồm: Tuyên bố của bộ trưởng về ứng phó khẩn cấp đối với an ninh lương thực; Quyết định của bộ trưởng về mua thực phẩm của Chương trình lương thực thế giới (WFP); Miễn trừ các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu; Tuyên bố của bộ trưởng về ứng phó của WTO đối với đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho đại dịch tương lai; Quyết định của bộ trưởng về hiệp định các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ; Quyết định về tạm hoãn thương mại điện tử và chương trình làm việc; Hiệp định về trợ cấp thủy sản.

Sở dĩ hội nghị phải kéo dài thêm 2 ngày là do gặp khó khăn trong đàm phán thỏa thuận về đánh bắt cá và miễn trừ một phần quyền sở hữu trí tuệ để cho phép các nước đang phát triển sản xuất, xuất khẩu vắc xin phòng Covid-19. Theo WTO, mỗi năm, các nước trên thế giới chi khoảng 35,4 tỷ USD để trợ cấp cho hoạt động đánh bắt cá. Điều này cho phép nhiều đội tàu đánh cá hoạt động lâu hơn và xa hơn trên biển, gây tổn hại đến sinh vật biển. Hầu hết các chính phủ đều đồng ý rằng cần bảo vệ nguồn dự trữ cá vì đây là nguồn tài nguyên quan trọng và thiết yếu với hàng triệu người dân ven biển trên thế giới. Tuy nhiên, cuộc đàm phán liên quan tới vấn đề này rơi vào bế tắc bởi một số nước khai thác cá nhiều nhất trên thế giới lại là các quốc gia nghèo và đang phát triển. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, các thành viên WTO đã đạt được thỏa thuận cấm trợ cấp cho hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Các quốc gia đang phát triển được hưởng hình thức miễn trừ các lệnh cấm nói trên trong thời gian chuyển tiếp 2 năm. Tuy nhiên, ưu đãi này chỉ được áp dụng trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia được hưởng miễn trừ.

Đối với quyền sở hữu trí tuệ vắc xin phòng Covid-19, đây là vấn đề gây chia rẽ WTO suốt 2 năm qua vì vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những quốc gia có đặt các công ty dược phẩm lớn như Anh và Thụy Sĩ. Các công ty dược phẩm lớn trên thế giới cho rằng việc xóa bỏ quyền sở hữu sẽ làm tê liệt hoạt động đầu tư và đổi mới. Hội nghị tại Geneva đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên WTO về vấn đề này. Theo đó, quyết định xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin phòng Covid-19 sẽ được áp dụng trong thời gian 5 năm.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, gói thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 sẽ nâng cao uy tín của WTO, vốn đang bị suy yếu và đứng trước những đòi hỏi về cải tổ. Từ năm 2013 đến trước khi hội nghị tại Geneva diễn ra, WTO chưa đạt được thỏa thuận thương mại đa phương nào mới. Chính vì vậy, Ủy viên Thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết, kết quả WTO vừa đạt được có ý nghĩa toàn cầu và là động lực để tổ chức này tiếp tục đổi mới trong thời gian tới.

Quỳnh Dương