Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam: Cần bứt phá hơn nữa
Văn hóa - Ngày đăng : 06:13, 19/06/2022
Nhiều nhưng chưa đặc sắc
Ban tổ chức Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 11 tại Việt Nam năm 2021 (VN-21) vừa trao giải thưởng và triển lãm tác phẩm xuất sắc tại Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội) vào đầu tháng 6-2022. Đây là dịp để giới làm nghề tụ hội, nhìn nhận và so sánh thực trạng nhiếp ảnh nghệ thuật nước nhà với quốc tế.
Cuộc thi lần này thu hút được 16.458 tác phẩm của 1.260 tác giả đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, ở 4 đề tài: Tự do cho ảnh màu, tự do cho ảnh đơn sắc, du lịch và chân dung. Đây là số lượng tác giả và ảnh dự thi nhiều nhất từ trước đến nay, cho thấy cuộc thi do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tổ chức đã trở thành hoạt động được mong đợi không chỉ với giới nghề trong nước, mà cả bạn bè quốc tế. Hội đồng giám khảo các đề tài gồm các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và nước ngoài uy tín, thẩm định theo phương thức trực tuyến độc lập, đã chọn ra 860 ảnh để triển lãm với 96 giải thưởng.
Tác giả của 22/45 quốc gia và vùng lãnh thổ có tác phẩm dự thi đã đoạt giải. Đa số các giải cao thuộc về tác giả nước ngoài. Tiêu biểu nhất là tác giả Im Kai Leong (Macao - Trung Quốc) với thành tích 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc và 10 tác phẩm lọt vào vòng triển lãm. Ngoài ra, ảnh của các tác giả người Ấn Độ, Pháp, Canada, Anh, Nga… có kỹ thuật tốt và góc nhìn mới, mang dấu ấn riêng.
Các tác giả Việt Nam tham dự với lực lượng đông đảo, nhưng kết quả khá khiêm tốn, đạt 43/96 giải. Thưởng lãm các tác phẩm xuất sắc của cuộc thi, chị Phạm Phương Lan (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Phần lớn tác phẩm ảnh đặc sắc, nhiều phong cách sáng tạo, khiến người xem dừng mắt lâu. Tuy nhiên, ảnh của tác giả Việt Nam khá quen thuộc, lặp lại những đề tài về ruộng bậc thang, trẻ em miền núi, thuyền trên sông…”.
Song, cuộc thi vẫn cho thấy những gương mặt nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam nổi bật, như tác giả Trần Trọng Lượm với tác phẩm “Cầu nguyện” - Huy chương vàng đề tài tự do cho ảnh màu, ghi lại hình ảnh vừa “động”, vừa “tĩnh” về một bé gái đang cầu nguyện bên bức tượng Phật. Tác giả Phí Thị Thu Hà cũng giành Huy chương vàng với tác phẩm “Đối mặt” ở đề tài tự do cho ảnh đơn sắc, “chớp” khoảnh khắc trong thiên nhiên hoang dã, khi một con rắn và một con ong đối diện nhau giữa không trung. Tác giả Huỳnh Hà với khả năng chọn nhân vật, góc máy, ánh sáng… sắc sảo, đã đoạt Huy chương vàng với tác phẩm “Cái nhìn” ở đề tài chân dung…
Hướng tới hoạt động chuyên nghiệp
Giống như Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 11 tại Việt Nam năm 2021, nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật trong và ngoài nước có sự tham gia ngày càng đông đảo của các tác giả Việt Nam. Trong khi các tác giả quốc tế tham dự với tinh thần thi đấu cao, có sự chọn lựa khắt khe với chính tác phẩm của mình, thì tác giả Việt Nam vẫn coi các cuộc thi là nơi để thử sức, học hỏi.
Đời sống nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam cũng vậy, phần lớn tác giả chỉ coi nhiếp ảnh là sân chơi thỏa mãn sở thích cá nhân, không lựa chọn đây là nghề chính. Chẳng hạn, tác giả Trần Trọng Lượm (tỉnh Ninh Thuận) có 4 lần tham gia cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam, lần trước đoạt Huy chương bạc, lần này giành Huy chương vàng, nhưng anh tâm sự chỉ theo đuổi nhiếp ảnh vì yêu thích. Đến với nhiếp ảnh từ năm 2012, tác giả Trần Trọng Lượm chỉ tự mày mò, khám phá, chưa được đào tạo bài bản.
Về góc độ chuyên môn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, thời gian gần đây, nhiếp ảnh nước nhà có nhiều tiến bộ, nhất là thêm lực lượng trẻ chịu khó dấn thân, đến những vùng xa xôi, hẻo lánh để đem đến câu chuyện nhiếp ảnh mới cho công chúng. “Song, so với quốc tế, góc máy của ta “lành” quá, hiếm sự táo bạo, đột phá - điều mà các cuộc thi hay công chúng trông chờ trong mỗi tác phẩm nhiếp ảnh”, nghệ sĩ Vũ Anh Tuấn đánh giá.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, đường đến đích chuyên nghiệp của hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật ở nước ta khá xa, bởi có rất ít tác giả bán được ảnh, sống bằng nghề sáng tác ảnh nghệ thuật. Bên cạnh đó, sự thiếu ý thức tôn trọng bản quyền; chưa có hoạt động đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật bài bản cũng là hạn chế của lĩnh vực này... Vì vậy, cùng với tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền, xây dựng chế tài xử phạt vi phạm nghiêm khắc, việc mở cơ sở đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp với chuyên ngành sáng tác, giám tuyển, lý luận, phê bình… sẽ giúp nhiếp ảnh nước ta bứt phá.
Để hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật trở nên chuyên nghiệp, theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, phải tạo lập được thị trường nhiếp ảnh ổn định, lành mạnh. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam sẽ thúc đẩy bằng cách xây dựng ngân hàng ảnh, vừa khai thác phục vụ cộng đồng, vừa là cầu nối với người mua để giúp hội viên, tác giả quảng bá, giao dịch tác phẩm trong và ngoài nước…