Hướng tới cung cấp dịch vụ dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 12:42, 20/06/2022

(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND, ngày 14-6-2022, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Kế hoạch đặt mục tiêu tổng quát hoàn thành xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số thành phố Hà Nội hoạt động minh bạch, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ của cơ quan nhà nước dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thành phố. Từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Chính quyền thành phố hoạt động, vận hành dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu.

Thành phố Hà Nội thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về phát triển chính quyền điện tử, hình thành chính quyền số.

Thành phố đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về dịch vụ công:

100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.

100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của thành phố.

Về huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội, kế hoạch đặt mục tiêu tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước.

Về vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước, Kế hoạch nêu rõ, 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc. 100% cơ quan nhà nước thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

90% hồ sơ công việc tại sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý nhà nước.

100% hệ thống thông tin các cơ quan nhà nước thành phố được phê duyệt cấp độ an toàn và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ phù hợp quy định. 100% cơ quan nhà nước thành phố hoàn thành triển khai, nâng cấp và duy trì bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp”. 100% cán bộ công thức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

Kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể về việc: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng, hệ thống; phát triển dữ liệu; phát triển ứng dụng; bảo đảm an toàn thông tin. Cùng với đó là 6 giải pháp: Bảo đảm nguồn nhân lực công nghệ thông tin: tập huấn, bồi dưỡng; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; cải cách hành chính, chuẩn hóa quy trình, nghiệp vụ; hợp tác trong nước và quốc tế.

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố xây dựng và trình UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện hằng năm. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện trong quá trình triển khai thực hiện…

Thanh Hà