Báo chí đã phát huy sức mạnh to lớn, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết
Văn hóa - Ngày đăng : 22:07, 21/06/2022
Đến dự Lễ trao giải có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương...
Về phía thành phố Hà Nội, đến dự có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng.
Tại lễ trao giải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã ôn lại truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, nhấn mạnh: Báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng đi đầu, vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, Nhà nước; tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, báo chí cả nước đang thay đổi dần để phục vụ độc giả tốt hơn, trong đó, báo chí không có con đường nào khác là phải chuyển đổi số, phát triển theo hình thức đa nền tảng. Bên cạnh đó, để khắc phục khó khăn, nhất là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ quan báo chí cần thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí, đa dạng hóa nguồn thu, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Giải báo chí quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 đã thu hút hàng nghìn tác phẩm với nhiều thể loại, đã thể hiện ý thức, trách nhiệm rất cao của báo chí với đất nước, thực sự là “cầu nối thông tin” rất quan trọng giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Giải thưởng hôm nay để tri ân, cảm ơn những người làm báo đã góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực, thành công của đất nước trong năm 2021 rất đặc biệt, một năm chúng ta trải qua những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh. Báo chí đã phát huy sức mạnh to lớn, tạo niềm tin, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về “Chiến lược vắc xin”, “Chương trình phòng, chống dịch Covid-19” để Việt Nam đã trở thành một trong số ít nước dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Báo chí cũng đã lan tỏa lòng nhân ái, nỗ lực thực hiện an sinh xã hội, nghĩa cử của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch; chia sẻ với những vất vả, khó khăn; động viên, tôn vinh, khích lệ các lực lượng tuyến đầu, nhất là bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an và cả những cá nhân tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu.
Để hoạt động báo chí phát huy tốt hơn nữa vai trò, sứ mệnh, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các cơ quan báo chí tập trung quán triệt mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, thể hiện tính cách mạng trong các vấn đề của đất nước; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của nhân dân.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, minh bạch; phát hiện, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt để “lấy cái đẹp đẩy lùi cái xấu”, trước mắt, tập trung tuyên truyền 3 đột phá chiến lược, những chủ trương, chính sách về phục hồi kinh tế, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân.
Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan báo chí cần thu hút sự tham gia tích cực của nhân dân trong việc xây dựng, phát triển đất nước; thực hiện tốt vai trò giám sát; người làm báo không ngừng trau dồi kiến thức, bản lĩnh chính trị để thông tin nhanh, chính xác, khách quan, có trách nhiệm; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nhân tạo vào hoạt động báo chí và truyền thông…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực cung cấp thông tin một cách chủ động, có trách nhiệm để các nhà báo, phóng viên thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần bảo vệ những phóng viên, nhà báo trong thực thi nhiệm vụ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
“Đảng, Nhà nước luôn ủng hộ, đồng hành và chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp, tăng cường tiềm lực của báo chí, phù hợp với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của đất nước và hài hòa, hợp lý với các lĩnh vực, ngành nghề khác”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Giải báo chí quốc gia tiền thân là Giải báo chí toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007. Qua 16 năm tổ chức, đến nay, giải tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của 18 Liên Chi hội và 35 Chi hội trực thuộc. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp giải có sự góp mặt của đầy đủ 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố.
Mặc dù đại dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến quá trình tác nghiệp báo chí, nhưng số lượng tác phẩm gửi về dự giải năm nay là 1.911 tác phẩm, ở mức cao thứ hai trong các mùa Giải báo chí quốc gia. Trong đó, có 1.761 tác phẩm đủ điều kiện dự vòng sơ khảo. Các tác phẩm phản ánh nổi bật những thành tựu xây dựng và phát triển đất nước. Qua các tác phẩm dự giải, một lần nữa, tính chiến đấu, tính cách mạng, tính khoa học và sự nhạy bén, sự dấn thân, lòng yêu nghề của các nhà báo càng được khẳng định, tôn vinh. Nhiều tác phẩm mang tính phát hiện, vừa phản ánh thực trạng bất cập, vừa đề xuất được các giải pháp thiết thực để khắc phục trên nhiều lĩnh vực hoạt động.
Qua hai vòng chấm giải, Hội đồng chấm giải báo chí quốc gia chấm chọn được 152 tác phẩm vào chung khảo, từ đó bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, gồm các tác phẩm: “Gây dựng "sếu đầu đàn" cho nền kinh tế” của nhóm tác giả Báo Nhân Dân; “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng - gốc có vững cây mới bền” của nhóm tác giả Báo Tiền Phong; “Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ tình người mang màu sắc "ma mị" giữa Thủ đô” của nhóm tác giả Báo Đại Đoàn Kết; “Những ngày không quên” của nhóm tác giả Đài Tiếng nói Việt Nam; “Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?” của nhóm tác giả Đài Tiếng nói Việt Nam; “HTV - Từ tâm dịch” của nhóm tác giả Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh; “Nơi kết thúc là nơi bắt đầu” của nhóm tác giả Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh; “Ranh giới” của nhóm tác giả Đài Truyền hình Việt Nam; “Giải phóng" đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần "cuộc cách mạng" quyết liệt hơn” của nhóm tác giả Báo điện tử VietnamPlus; “Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng” của tác giả Đỗ Doãn Hoàng, Báo Nông thôn ngày nay.
Ngoài ra, Hội đồng chấm giải trao 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích.