Fake news và chống fake news
Sách - Ngày đăng : 21:19, 21/06/2022
Trong thời đại 4.0 hiện nay, mỗi ngày đều xuất hiện hằng hà sa số tin tức - những thông tin có thật có giả, đã được kiểm chứng hay chỉ đơn thuần “câu view”. Đi theo quan điểm “xóa mù truyền thông chính là xóa mù chữ của thế kỷ XXI”, cuốn sách “Fake news và chống Fake news” cung cấp những kiến thức về cuộc chiến chống tin giả (fake news) trên khắp thế giới, về khái niệm và cách phân biệt fake news, các đạo luật răn đe những ai tạo ra tin giả, hay những kỹ năng kiểm tra dữ kiện…, từ đó giúp người dùng mạng có thể xử lý thông tin một cách thông minh.
Khái niệm “fake news” xuất hiện chưa lâu, thực sự phổ biến rộng rãi từ khoảng năm 2016, nhưng từ đó đến nay, fake news đã nở rộ, lây lan rất nhanh, đặc biệt vào những thời điểm thiên tai, dịch bệnh bùng phát như trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Tác giả Đỗ Đình Tấn cho rằng, fake news là một thông tin hoàn toàn giả hoặc bịa đặt, phóng đại hay bóp méo, xuyên tạc đến mức không còn là thật, xuất hiện dưới dạng tin tức báo chí, lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội qua việc chia sẻ, để đánh lừa công chúng nhằm đạt được một mục đích (chính trị, ý thức hệ, kinh tế, lợi ích…) nào đó.
Dẫu là thông tin bịa đặt hoặc phóng đại, xuyên tạc nhưng fake news lại có sức lây lan khủng khiếp trên môi trường trực tuyến. Những lý giải về tốc độ lây lan của tin giả trong cuốn sách là bước đầu đưa độc giả đến với những “bài học” xóa mù tin tức, xóa mù truyền thông, và trang bị cho công dân, nhất là công dân trẻ, những kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp họ phân tích, đánh giá các thông tin và hình ảnh trên không gian mạng.
Theo tác giả Đỗ Đình Tấn, "xóa mù tin tức" được xem là một trong những kỹ năng của thế kỷ XXI mà một công dân có trách nhiệm cần có đối với quốc gia và toàn cầu.