ASEAN - Nhật Bản tương hỗ thúc đẩy phục hồi toàn diện, hướng tới phát triển bền vững
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:37, 22/06/2022
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yamada Shigeo nhấn mạnh coi trọng mối quan hệ đối tác gần 5 thập kỷ với ASEAN, tái khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN trên tất cả các trụ cột, đồng thời tích cực tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả vào các cơ chế do ASEAN chủ trì.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản (1973-2023), Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản mong muốn cùng các nước ASEAN đề xuất và triển khai các hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm quan trọng này.
Hướng về tương lai, ASEAN và Nhật Bản nhấn mạnh ưu tiên hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy phục hồi toàn diện hướng tới phát triển bền vững. Hai bên nhất trí tập trung nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng tại khu vực, triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động về tự cường kinh tế ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác bảo đảm an ninh biển, quản lý thiên tai, giao lưu nhân dân, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu… ASEAN hoan nghênh và sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản triển khai hiệu quả khoản cho vay trị giá gần 1,8 tỷ USD với lãi suất thấp nhất mà Nhật Bản cam kết hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể (ACRF).
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, các nước nhất trí cần phối hợp chặt chẽ bảo đảm một môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Nhật Bản khẳng định ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông cũng như vai trò và nỗ lực của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Đại sứ Vũ Hồ khẳng định, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn là một trụ cột chính trong quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh, cần tiếp thêm động lực mạnh mẽ, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi toàn diện và tăng trưởng bền vững trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trong thời gian tới, ASEAN và Nhật Bản cần hỗ trợ lẫn nhau tích cực triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác, sáng kiến phục hồi; đồng thời, tiếp tục phối hợp chính sách nhằm đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định tự cường chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại đa phương và liên kết kinh tế khu vực thông qua triển khai hiệu quả thỏa thuận kinh tế thương mại đa phương mà hai bên là thành viên tham gia. Đại sứ Vũ Hồ đề nghị, hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai bên thời gian tới cần đóng góp tích cực cho các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và phát triển đồng đều và bền vững cả ở quy mô toàn khu vực nói chung và tại các tiểu vùng nói riêng, trong đó có tiểu vùng Mê Kông thông qua khuôn khổ Hợp tác Mê Kông - Nhật Bản.
Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có các vùng biển như Biển Đông và Biển Hoa Đông, tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và quyết tâm của ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng thành công Bộ quy tắc COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước UNCLOS 1982, nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.
Tại diễn đàn, các nước ghi nhận thông báo của nước Chủ tịch ASEAN 2022 Campuchia về kế hoạch tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN - Nhật Bản nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 và các Hội nghị Bộ trưởng liên quan tại Phnom Penh, Campuchia từ ngày 31-7 đến 6-8-2022.