Hành động sâu sát, thiết thực vì trẻ em

Xã hội - Ngày đăng : 06:21, 23/06/2022

(HNM) - Thời gian qua, dường như chỉ có các vụ trẻ em bị xâm hại nghiêm trọng mới được phát hiện. Hầu hết nạn nhân chưa biết kêu cứu với ai, cơ quan chức năng nào. Điều này đòi hỏi mạng lưới bảo vệ trẻ em tại cấp cơ sở cần sâu sát hơn, hành động thiết thực để mọi trẻ em đều được bảo vệ, chủ động đấu tranh, phòng ngừa, trước khi phải cầu cứu đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và các cơ quan trợ giúp khác.

Tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ ngay từ địa bàn cơ sở là giải pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ em.

Trẻ chưa biết cách tiếp cận mạng lưới bảo vệ, chăm sóc

Câu chuyện ấn tượng nhất trong nhiều năm làm nghề của bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, cộng tác viên dân số và trẻ em tổ dân phố số 15 phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) là cuộc điện thoại của một cháu bé 8 tuổi bày tỏ lo lắng khi bố lấy vợ mới. Bà Hồng đã nhanh chóng nắm bắt được tâm lý lứa tuổi, phân tích lý lẽ, giúp cháu bé hiểu rõ vấn đề, từ đó có cái nhìn thiện cảm với những việc làm tốt của mẹ kế.

Câu chuyện và việc xử lý kịp thời như trên là hiếm hoi tại cấp cơ sở. Bởi thực tế, hầu hết các vụ việc đau lòng chỉ được hé lộ ra ánh sáng khi những đứa trẻ đã bị xâm hại, đánh đập nhiều ngày. Điển hình như vụ việc bé gái 3 tuổi tại huyện Thạch Thất được đưa đến bệnh viện trong tình trạng có 39 chiếc đinh găm vào đầu thời điểm đầu năm 2022. Sự việc này đặt ra câu hỏi, tại sao chỉ khi trẻ bị xâm hại nghiêm trọng mới được phát hiện?

Nhiều trẻ được hỏi về cách phản ứng khi bị xâm hại thì ngoài phương án tìm trợ giúp của người thân các em không hề biết đến mạng lưới bảo vệ trẻ em cấp cơ sở. Như cháu P.T.L. (14 tuổi, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai), khi có dấu hiệu bị xâm hại cũng chỉ biết gọi đến Tổng đài 111. Tương tự, cháu Đ.T.L. (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) cũng cho rằng, nếu không may bị xâm hại thì chỉ biết cầu cứu bố mẹ hoặc số điện thoại 111.

Thực trạng trên cho thấy, đa số trẻ em chưa biết đến hoặc chưa được phổ biến, tiếp cận các phương thức bảo vệ khi bị xâm hại. Vậy chúng ta sẽ làm gì để trẻ em tự chủ động đấu tranh, phòng ngừa nguy cơ bị xâm hại trước khi kêu cứu đến Tổng đài 111?

Một buổi tuyên truyền về cách phòng tránh xâm hại cho học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội).

Chủ động bảo vệ chính mình trước khi nhờ sự trợ giúp

Thực tế, vài năm gần đây, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dân số đẩy mạnh hoạt động tại địa bàn, kịp thời phát hiện, tiếp nhận thông tin về tình hình trẻ em bị xâm hại, chủ động phối hợp với lực lượng liên quan để can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, mạng lưới này tại các khu dân cư đã hoạt động tích cực với quy mô mỗi tổ dân phố có 1-2 cán bộ dân số chuyên trách bảo vệ trẻ em, có nhiệm vụ thống kê đời sống từng trẻ, tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời khi trẻ gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hồng (tổ dân phố số 15 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), đến nay, tổ dân phố số 15 chưa phát hiện trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Đó là điều may mắn, tuy nhiên, trọng trách trên vai những người làm mạng lưới cộng tác viên dân số bảo vệ trẻ em ngày càng nặng thêm. Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, nhắn tin trong nhóm Zalo của tổ dân phố về kế hoạch chăm lo cho trẻ em vào những ngày lễ, Tết, hè, bà Hồng còn cần mẫn in những tờ giấy có ghi số điện thoại của bà dán ở bảng tin của tổ dân phố, với mong muốn mọi trẻ em có thể được trợ giúp.

Tại phường Phương Mai (quận Đống Đa), bà Nguyễn Thị Yến, phụ trách chăm sóc thiếu niên, nhi đồng khu dân cư số 9 cho biết, để tiếp cận và tìm hiểu hoàn cảnh của từng trẻ, những người như bà phải liên tục khảo sát, sâu sát địa bàn, cập nhật tình hình, nhất là với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, kịp thời trợ giúp khi các em gặp khó khăn.

Về phía chính quyền địa phương, đã có nhiều nơi quan tâm đến vấn đề này. Chẳng hạn, UBND phường Phú La (quận Hà Đông) đã tổ chức các buổi họp để tuyên truyền tới từng hộ dân, gia đình về việc xâm hại trẻ em. Phó Chủ tịch UBND phường Phú La Nguyễn Phương Anh cho biết, phường đã mời các chuyên gia về địa phương để chia sẻ kinh nghiệm phân tích tâm lý lứa tuổi học đường; đồng thời, khuyến cáo các gia đình, đoàn thể chính trị xã hội quan tâm, gần gũi nhiều hơn với trẻ, nhất là trong bối cảnh các em dễ tiếp cận với nhiều nguồn thông tin không lành mạnh.

Có thể thấy, tại các địa phương của thành phố Hà Nội, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã được quan tâm hơn. Tuy nhiên, từ những câu chuyện xảy ra trong thực tế, rất cần các cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tăng cường những hoạt động thiết thực, sâu sát hơn, phát huy hiệu quả của mạng lưới bảo vệ trẻ em tại cơ sở để tiến tới chấm dứt tình trạng trẻ bị xâm hại. Ngoài ra, cần có các phương pháp trợ giúp để trẻ em có khả năng đấu tranh, bảo vệ bản thân thoát khỏi nguy cơ bị xâm hại trước khi tìm đến sự trợ giúp khác.

Kim Vũ