Đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 06:47, 23/06/2022

(HNM) - Tham luận tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 15) tổ chức ngày 22-6, lãnh đạo các bộ, ngành khẳng định, thực hiện Nghị quyết không phải là nhiệm vụ riêng của Hà Nội, mà còn là trách nhiệm đồng hành, phối hợp của các bộ, ngành trung ương và địa phương trong cả nước; qua đó, đề xuất một số giải pháp để Nghị quyết sớm phát huy hiệu quả trong đời sống.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng:
Khẩn trương triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Để phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết 15 đề ra, chúng tôi cho rằng Hà Nội cần tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm về tài chính - ngân sách. Trong đó, thành phố cần tiếp tục có các giải pháp hiệu quả cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh, sức cạnh tranh để thu hút thêm vốn đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao gắn với hoạt động của các trung tâm nghiên cứu - phát triển, tạo cơ sở tăng thu ngân sách nhà nước bền vững.

Thành phố cần thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch tài chính 5 năm của thành phố, từng bước cơ cấu việc chi ngân sách theo tinh thần các nghị quyết gần đây của Trung ương Đảng, Quốc hội. Trong đó, có thể tập trung triển khai thực hiện nội dung thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội.

Trước mắt, Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo triển khai có hiệu quả 10 dự án ODA với nhu cầu sử dụng vốn là 63,4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, khẩn trương triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sau khi được Quốc hội thông qua, góp phần mở rộng không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương Vùng Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng:
Tập trung sớm sửa Luật Thủ đô năm 2012

Năm 2012, Luật Thủ đô chính thức được Quốc hội thông qua, với 11 cơ chế, chính sách. Đây là một đơn vị hành chính cấp tỉnh duy nhất của cả nước có Luật điều chỉnh với nhiều cơ chế đặc thù áp dụng, tạo động lực phát triển, hoàn thiện không gian đô thị có bản sắc, văn minh và hiện đại. Tuy nhiên, Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành không cao, dẫn đến chưa thực sự phát huy giá trị để đi vào cuộc sống.

Luật Thủ đô năm 2012 cũng chưa có những quy định mang tính đột phá nhằm tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Tác động của việc thực hiện cơ chế, chính sách của Luật đến sự phát triển, đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô còn rất khiêm tốn. Nhiều vấn đề trong phát triển Thủ đô chưa được dự liệu để giải quyết bằng các quy định phù hợp, không ít trường hợp, phải “chờ” các quy định pháp luật chuyên ngành khác mới được cụ thể hóa và thực thi trên thực tế.

Bộ Xây dựng cho rằng, cần tập trung sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Thủ đô, xây dựng dự án Luật Thủ đô theo hướng xác định được vị trí của Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm giáo dục, văn hóa, khoa học - công nghệ, kinh tế, trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước.

Với trách nhiệm vì Thủ đô, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với thành phố để xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15 thật sự hiệu quả, đóng góp vào thành công của công tác xây dựng và phát triển đô thị trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông:
Phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng

Nghị quyết 15 đã xác định rõ nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị Thủ đô là “Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, sớm hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở triển khai tổ chức quản lý điều hành trong công tác đầu tư, kêu gọi đầu tư, huy động vốn.

Hà Nội cần đề xuất xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (TOD), khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị... để tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý khai thác vận hành các tuyến đường sắt đô thị.

Thành phố cũng nên xây dựng các phương án và cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư trong thời kỳ 5 năm, hằng năm để cân đối đầu tư phát triển cho nhiệm vụ thực hiện các dự án theo quy hoạch bao gồm: Các nguồn vốn từ ngân sách (bao gồm cả vốn ODA), nguồn vốn huy động theo các hình thức như phương thức đối tác công - tư để tập trung cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông…

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, chúng tôi tin tưởng rằng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô Hà Nội sẽ được đẩy mạnh đầu tư, từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo lập được cơ cấu vận tải hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 15 trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương:
Tiên phong trong phát triển công nghiệp văn hóa

Trở thành đô thị tiên phong trong phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đã từng bước tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, công nghiệp văn hóa của thành phố chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế để trở thành giải pháp trọng điểm góp phần phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đưa Thủ đô xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế như tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

Chúng tôi cho rằng, Hà Nội cần hướng đến các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vừa tạo dựng bản sắc quốc gia vừa gắn với truyền thống, vừa mang tính mới tương thích với các giá trị chung của toàn cầu trong một thế giới đa văn hóa, dung hợp văn hóa, ngày càng mở và đa dạng. Muốn đổi mới cơ chế đầu tư văn hóa, Hà Nội phải giải quyết hiện tượng “thắt cổ chai” về vốn đầu tư và tăng lượng thu hút vốn trong đầu tư. Nếu không có sự đầu tư của Nhà nước, của xã hội và chủ động đầu tư tập trung vào lĩnh vực trọng điểm nào đó thì Hà Nội không thể có sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đủ sức cạnh tranh. Thậm chí, công nghiệp văn hóa của Hà Nội có thể thua ngay trên sân nhà... 

Hà Linh