Đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với hiệu quả giải ngân
Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 16/02/2023
- Xin ông cho biết tình hình giải ngân vốn đầu tư năm 2022 và hiệu quả sử dụng nguồn vốn?
- Năm 2022, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội được phân bổ kế hoạch vốn 1.900,5 tỷ đồng cho 51 dự án. Trong đó, vốn ngân sách thành phố là 1.737,6 tỷ đồng/50 dự án và vốn ODA là 162,9 tỷ đồng/1 dự án. Từ nguồn vốn được phân bổ, Ban đã giải ngân được 1.745,9 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch.
Năm qua, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo, triển khai thi công, thi công hoàn thành nhiều dự án trọng điểm quan trọng theo tiến độ nhằm từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, hạn chế ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng cường tính kết nối giữa Thủ đô Hà Nội với các địa phương.
Ban đã hoàn thành dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; triển khai thi công theo tiến độ nhiều dự án lớn như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (phấn đấu hoàn thành dịp 2-9-2023); cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (phấn đấu hoàn thành, thông xe trước ngày 30-4-2023).
Cùng với đó, đã hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công nhiều dự án, như: Dự án hầm chui nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho Dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội; Dự án Cải tạo, nâng cấp đường quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai…
- Năm 2023, Ban được phân bổ kế hoạch vốn như thế nào và nguồn vốn được ưu tiên ra sao?
- Kế hoạch vốn năm 2023 Ban được giao là 2.301,3 tỷ đồng cho 35 dự án. Ngoài ra, Ban đang tập trung hoàn thiện các thủ tục phục vụ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo tiến độ (tháng 6-2023) với nhu cầu vốn năm 2023 khoảng 500 tỷ đồng.
Nguồn vốn được phân bổ năm 2023 sẽ ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025; dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 nhưng đang triển khai trong giai đoạn 2021-2025... Trong đó, 3 dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025 (cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2; Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3), chiếm tỷ trọng 1.250/2.301,3 tỷ đồng, tương ứng 54,3%. 553 tỷ đồng (tương ứng 24%) sẽ được tập trung cho 7 dự án lớn, quan trọng giai đoạn 2016-2020 nhưng đang triển khai trong giai đoạn 2021-2025...
- Ông có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới kết quả giải ngân cùng các giải pháp đã đề ra?
- Thời gian qua, biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, giá nhân công và tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn, vật tư, nhân công, thiết bị, máy móc. Việc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công tác đấu thầu...
Ngoài ra, đặc thù của nhiều dự án giao thông là thi công theo tuyến, trên các nút giao thông có mật độ phương tiện giao thông lớn; vừa thi công, vừa khai thác, bảo đảm an toàn giao thông; khối lượng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi phải di chuyển lớn, phức tạp... cũng cản trở lớn đến tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án. Cùng với đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư...
Để khắc phục, chúng tôi tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai các dự án sát với thực tế; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn để có nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tiến hành song song một số thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian triển khai công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư.
- Trân trọng cảm ơn ông!