Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước: Thực chất và hiệu quả
Chính trị - Ngày đăng : 06:14, 24/06/2022
Tạo sự đồng thuận của các chủ doanh nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”, từ đầu năm 2022 đến nay, các quận, huyện, thị ủy đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp. Nhờ đó, các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Là nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị An Phúc Hưng (quận Hà Đông), chị Nguyễn Thị Mai Hoa mới được kết nạp Đảng sau một thời gian phấn đấu. Chị Hoa chia sẻ: “Tại công ty nơi tôi làm việc đã có chi bộ Đảng, nên việc học tập các nghị quyết cũng như sinh hoạt hằng tháng luôn được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện thuận lợi. Là đảng viên, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình, không chỉ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao mà còn ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.
Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Hương cho biết, Đảng bộ hiện có 51 tổ chức Đảng với 443 đảng viên. “Chúng tôi luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, từ đó tạo lòng tin, sự đồng thuận của các chủ doanh nghiệp đối với cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở. Điều quan trọng là có sự đồng hành, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền đối với sự ổn định và phát triển của mỗi doanh nghiệp”, đồng chí Nguyễn Thị Hương chia sẻ.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng
Theo Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, hiện việc phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn Thủ đô còn nhiều khó khăn.
Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Đức Trần Văn Nghĩa nêu thực trạng, một số bí thư chi bộ không phải chủ doanh nghiệp nên việc triển khai các nhiệm vụ công tác Đảng gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị còn gặp khó khăn. Việc khảo sát, thành lập mới các chi bộ và phát triển Đảng trong các doanh nghiệp không đơn giản do doanh nghiệp chủ yếu là hộ sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, thời gian tới, các địa phương cần quan tâm củng cố các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, chú trọng việc sinh hoạt chi bộ trong các doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao chất lượng đảng viên. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tổ chức Đảng.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU nhấn mạnh: “Công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là nhiệm vụ khó đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm cao của mỗi địa phương. Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, để mỗi doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết thành lập tổ chức Đảng và từ đó nâng cao chất lượng hoạt động cũng như mỗi buổi sinh hoạt chi bộ”.