Khẳng định rõ quyết tâm
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:42, 25/06/2022
Đây là một phần “trở lực” mà cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên gặp phải; nhưng không khó để phản bác.
Cách đây 28 năm (tháng 1-1994), tại Đại hội đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, Đảng ta đã xác định 4 nguy cơ đe dọa sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ, trong đó có tham nhũng. Hiện nay, 4 nguy cơ này vẫn còn, có mặt còn biểu hiện gay gắt, phức tạp hơn, trong đó có tham nhũng.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng, người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, siết chặt kỷ cương, kỷ luật Đảng, không chỉ là nhiệm vụ chính trị trọng yếu mà còn là mong muốn, đòi hỏi của nhân dân; là “ý Đảng, lòng dân”.
Nhờ quyết tâm với ý chí cao nhất của Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến quan trọng. Chỉ riêng năm 2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020); trong đó, có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).
Đáng chú ý, chỉ trong năm 2021, các cơ quan chức năng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 15.000 tỷ đồng và nhiều tài sản giá trị lớn. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến nay đã thu hồi được hơn 31.000 tỷ đồng...
Thực tế này hoàn toàn phù hợp với trả lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 23-6 rằng, không lo thiếu cán bộ, bởi cấp trưởng không làm nữa thì cấp phó tạm thời làm thay. Điều này không chỉ đúng cả về lý luận và thực tiễn, mà chính là nói hộ lòng dân.
Điều quan trọng hiện nay là phải hướng tới giai đoạn mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Để làm được, các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải mạnh dạn gương mẫu thực hiện để giữ gìn uy tín.
Một trong những giải pháp hàng đầu, phải làm ngay là tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng. Đúng như tinh thần chỉ đạo của Trung ương, công tác tuyên truyền phải khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; làm cho mọi người thấy rõ việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm chậm sự phát triển mà ngược lại, càng làm trong sạch, tạo sức mạnh cho bộ máy và đội ngũ cán bộ.
Qua quá trình xử lý sai phạm cũng đồng thời sàng lọc, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có tư duy đổi mới, bản lĩnh đảm nhận những vị trí công tác quan trọng; bảo vệ những người dám đấu tranh với cái sai… Qua đó, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới xây dựng và phát triển đất nước.