Bulgaria: Nguy cơ khủng hoảng kép

Thế giới - Ngày đăng : 07:00, 25/06/2022

(HNM) - Chỉ 6 tháng sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước, Chính phủ Bulgaria do Thủ tướng Kiril Petkov đứng đầu đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hậu quả của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, bất ổn trên chính trường có thể khiến Bulgaria đối mặt với cuộc khủng hoảng kép.

Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov sẽ từ chức vào ngày 27-6.

Theo thông báo từ Quốc hội Bulgaria, tại cuộc bỏ phiếu ngày 22-6, Chính phủ của Thủ tướng Kiril Petkov chỉ nhận được 116 phiếu ủng hộ, trong khi có tới 123 phiếu bất tín nhiệm. Động thái này được nhóm nghị sĩ đối lập đề nghị cách đây hơn một tuần do cáo buộc chính phủ cầm quyền thất bại trong lĩnh vực tài chính công và chính sách kinh tế của Bulgaria.

Trong một phát biểu trước những người ủng hộ sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng K.Petkov cho biết, ông sẽ từ chức vào ngày 27-6 để đảng Chúng tôi Tiếp tục Thay đổi (PP) đề cử một chính phủ mới trước quốc hội nước này. Nếu đề xuất của PP không được chấp thuận, các đảng khác sẽ có cơ hội tương tự trước khi Tổng thống Bulgaria Rumen Radev bổ nhiệm một nội các tạm quyền và tổ chức bầu cử sớm.

Dựa trên các phân tích về tình hình chính trường Bulgaria hiện nay, các nhà bình luận cho rằng, quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) này nhiều khả năng phải tiến hành cuộc bầu cử thứ 4 trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp hữu hiệu có thể giải quyết những bất ổn chính trị của Bulgaria.

Từ kết quả các cuộc bầu cử đã tiến hành thời gian qua cho thấy, do không đạt được số phiếu quá bán đủ để tự đứng ra thành lập chính phủ, các đảng phái giành thắng lợi đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền. Nếu bất đồng giữa các chính đảng trong Quốc hội Bulgaria không được thu hẹp, chính trường nước này sẽ tiếp tục lâm vào thế bế tắc.

Mới đây, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, Bulgaria ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao nhất trong số các quốc gia tại khu vực Đông Nam Âu (SEE) là thành viên của EU, với mức 15,6% trong tháng 5-2022, mức tăng kỷ lục của nước này trong vòng 24 năm qua. Theo thống kê, giá vận tải đã tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 22,7%. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bulgaria năm 2022 chỉ đạt 2,6%, thấp hơn 1,2% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1-2022.

Sự gián đoạn nguồn cung năng lượng do Nga cắt xuất khẩu khí đốt tự nhiên trực tiếp sang Ba Lan, Bulgaria cùng với việc EU công bố kế hoạch dừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027 có thể làm trầm trọng thêm áp lực tăng giá tại đất nước này.

Sau động thái của Nga, các quốc gia láng giềng với Bulgaria đã can thiệp, tăng cường giao khí đốt cho nước này. Tuy nhiên, đây chỉ là những khoản hỗ trợ tạm thời. Việc chính phủ Bulgaria chưa đề ra một giải pháp dài hạn để đảm bảo nhu cầu khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm đang khiến các doanh nghiệp nước này như "ngồi trên đống lửa".

Trước đó, Chính phủ Bulgaria đã thông qua gói biện pháp mới áp dụng trong tháng 5 và 6 nhằm bảo vệ các công ty tránh khỏi tác động tiêu cực từ tình trạng giá nhiên liệu tăng cao. Cụ thể, Chính phủ sẽ chi trả 80% giá điện vượt trên 200lev/MWh (tương đương hơn 106 USD/MWh) cho các doanh nghiệp; lập kế hoạch dài hạn nhằm bảo vệ nền kinh tế tránh khỏi những tác động do chi phí năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ của Thủ tướng K.Petkov đã đẩy kế hoạch này vào thế bấp bênh.

Không những vậy, tình trạng bất ổn về mặt chính trị tại Bulgaria đang cản trở nỗ lực của quốc gia này trong việc xin hỗ trợ từ Quỹ Phục hồi sau đại dịch Covid-19 của EU lên tới 6,3 tỷ euro (6,6 tỷ USD) và kế hoạch gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào năm 2024.

Quỳnh Dương