Phát ngôn đúng mực!
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:07, 26/06/2022
Áp lực công việc, y đức luôn đè nặng lên vai các thầy thuốc và mỗi cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt là trong 2 năm chống dịch Covid-19 vô cùng gian nan, khốc liệt. Những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu trong các bộ đồ bảo hộ sũng mồ hôi, vài tháng không được về nhà xuất hiện liên tục trên các trang báo, mạng xã hội. Họ thực sự là những người hùng bình dị giữa đời thường. Hôm qua là vậy, hôm nay, sau liên tiếp thông tin tiêu cực liên quan tới ngành Y tế, không ít người đã quay ngoắt thái độ, không phân biệt rạch ròi trách nhiệm của từng cá nhân, buông ra những nhận xét, đánh giá lạnh lùng đến vô cảm, làm tổn thương tới những người làm nghề chân chính. Đã có những cán bộ, nhân viên y tế đã rời bỏ y tế công để bớt đi áp lực cả về công việc, đời sống và dư luận.
Cách đây gần 20 năm, sau vụ việc xảy ra tại PMU18, cán bộ, nhân viên ngành Giao thông Vận tải cũng phải hứng chịu những ánh mắt “hình viên đạn”, những lời bình phẩm “vơ đũa cả nắm” như vậy mà không có cơ hội giãi bày. Áp lực quá lớn từ dư luận và cả công việc, đời sống kinh tế do công việc đình trệ đã gây ra đợt “chảy máu chất xám” ồ ạt. Cả ngành Giao thông Vận tải lao đao, các hoạt động ảm đạm, cầm chừng, tâm lý sợ sai, sợ áp lực dư luận bao trùm. Những tên tuổi, “anh cả” một thời của ngành Giao thông Vận tải dần dần vắng bóng. Và những lo ngại về điều tương tự có thể xảy ra với ngành Y tế sau cuộc bể dâu mang tên “Việt Á” xem ra không phải là không có cơ sở.
Theo Bộ Y tế, hiện đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, trong đó chủ yếu là những loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, cơ sở y tế. Điều này đã ảnh hưởng tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nguyên nhân là quá trình triển khai đấu thầu, mua sắm xuất hiện những bất cập, đặc biệt là do tâm lý lo ngại, sợ sai nên không dám tổ chức đấu thầu, mua sắm. Thiếu thuốc, vật tư y tế, người bệnh sẽ chịu tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn nhất. Các y, bác sĩ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hành y đức, công việc bị ảnh hưởng, áp lực thêm đè nặng. Không phải ai cũng hiểu và thông cảm điều này, nhất là bệnh nhân và người nhà đang chịu những cơn bạo bệnh tấn công. Đương nhiên, tình trạng này càng kéo dài, áp lực đặt trên vai các thầy thuốc sẽ càng lớn và khi áp lực quá lớn sẽ khó tránh những sơ suất, thậm chí sai sót có thể xảy ra. Đã có những ý kiến bày tỏ lo ngại về “cuộc tháo chạy” khỏi y tế công có thể gây ra những xáo trộn làm ảnh hưởng tới an sinh xã hội, đặc biệt là tới những người dân không đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế tư. Ngành Y tế và các cơ quan chức năng đã và đang có những giải pháp xử lý, khắc phục những vấn đề trên. Và trong hoàn cảnh hiện tại, sự chia sẻ, động viên với các thầy thuốc, nhân viên y tế chân chính là hết sức cần thiết. Điều đó sẽ giúp họ ấm lòng, vững tâm công tác.
Pháp luật vốn công bằng và nghiêm minh, những kẻ có tội sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Song mỗi người cần phân biệt rạch ròi và có hành vi ứng xử, phát ngôn đúng mực, nhất là khi tham gia mạng xã hội, thể hiện quan điểm trên trang cá nhân để những “chiến sĩ áo trắng” yên tâm giữ vững “trận địa” trên tuyến đầu nóng bỏng.