Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Minh Phương: Hạnh phúc khi được khán giả biết tới

Giải trí - Ngày đăng : 05:08, 26/06/2022

(HNMCT) - Có lợi thế với vẻ bề ngoài hiền lành, nhu mì nên Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Bùi Minh Phương thường được các đạo diễn mời đóng vai cam chịu, nhẫn nhịn. Để rồi cứ thế, Bùi Minh Phương đã để lại ấn tượng trong lòng người xem qua những nhân vật mà mình từng đóng như bà Phương trong phim “Tình yêu và tham vọng”, bà Son trong "Đất và người", bà Trang trong "Sống chung với mẹ chồng" hay mẹ của Lan trong "Quỳnh búp bê”...

1. Trước khi cùng Sân khấu Lệ Ngọc vào thành phố Hồ Chí Minh lưu diễn, NSƯT Bùi Minh Phương mời tôi xem vở kịch "Làm vua" công diễn tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Vở kịch lịch sử về Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2021, trong đó Bùi Minh Phương vào vai Dương Thị Lụa.

Chúng tôi đã có nhiều dịp gặp nhau. Ngoài chuyện sân khấu - điện ảnh, Minh Phương hay sẻ chia cùng tôi nỗi niềm riêng. “Quý cô tuổi Dần” đã vượt qua những khúc ngoặt cuộc đời, an nhiên đón cuộc sống tràn trề hạnh phúc bên “ông chồng nhân dân” Phó Đức Hiệp và con cháu hiếu thảo. Sau những chuyến đi biểu diễn, đóng phim xa nhà, chồng Minh Phương thường "thưởng nóng” cho vợ những chuyến “xê dịch”, nay Đà Lạt, mai Phú Quốc hay xứ Huế mộng thơ... Một hậu phương vững chắc như thế, chả trách “bà mẹ chồng quê mùa bị con dâu bắt nạt đuổi khéo về quê” cứ trẻ trung, xinh đẹp, tươi tắn bền lâu đến vậy.

Tiếp xúc với Minh Phương, tôi nhận ra sự rụt rè, cẩn trọng. Nhưng sau khi hiểu nhau, chị thân thiện, cởi mở hơn, rõ ra là người phụ nữ sâu sắc. Có lẽ chính tố chất này mà đạo diễn hay mời chị vào những vai phụ nữ Hà thành khuê các, nhân hậu; vai phụ nữ trung niên nông thôn, miền núi và cả thị thành; vai người phụ nữ dân tộc thiểu số...

2. Bùi Thị Minh Phương sinh ngày 30-4-1962 trong một gia đình cán bộ ở xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Năm 16 tuổi, cô gái Mường đến với sân khấu cùng các học viên lớp diễn viên kịch khóa đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ.
Năm 17 tuổi, vở diễn đầu tiên của Minh Phương trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ là vai bà Tiên hiền hậu, tóc trắng như cước. Để hóa trang cho một diễn viên trẻ có đôi má bầu bĩnh, bộ phận hóa trang phải tốn nhiều công sức vẽ “ngoặc đơn, ngoặc kép”. Thế rồi từ đấy, trên sân khấu kịch, Minh Phương tỏa sáng với các vở "Lời thề thứ 9", "Nắng quái chiều hôm"..., các vở hài như "Đời cười 5", "Bến Osin"... Nói về những vai diễn hài, chị tự thú là rất khó so với sở trường của mình, "nếu tự chấm thì hào phóng nhất cũng chỉ đạt 70%". Minh Phương chân thành, không giấu giữ phần không thuộc thế mạnh của mình.

Là người của sân khấu nhưng Minh Phương có duyên với điện ảnh. Công chúng biết chị nhiều hơn với những vai diễn trong các bộ phim truyện nhựa và nhất là phim truyền hình. Trong phim truyện nhựa, Minh Phương vào vai người mẹ chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị trong phim "Mùi cỏ cháy" (kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Hữu Mười); vai người phụ nữ dân tộc Chăm, mẹ của Narin trong "Trên đỉnh bình yên" (kịch bản: Đoàn Minh Tuấn, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Hữu Mười). Trong phim "Mùi cỏ cháy", Minh Phương diễn tả rất thành công diễn biến tâm trạng của người mẹ có con ra chiến trường. Cảnh dành cho vai bà mẹ rất ngắn, nhưng Minh Phương biết phát huy lợi thế "đôi mắt biết nói" để diễn tả sâu sắc tâm trạng, nỗi niềm lo lắng, bồn chồn, có cả nỗi sợ hãi... của bất kỳ người phụ nữ Việt Nam nào trong thời chiến khi có người thân vào chiến trường. Chiến tranh in hằn lên mọi số phận. Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ. Minh Phương xuất thần trong đôi mắt chịu đựng, nhẫn nhịn, nén nỗi đau khi nhận tin con hy sinh ở chiến trường Quảng Trị.

Với vẻ nhẫn nhịn và chịu đựng ấy, dường như các đạo diễn đã “đo ni đóng giày” để nghệ sĩ Minh Phương hóa thân thành công vào những vai diễn có số phận éo le, cam chịu, thua thiệt trong nhiều bộ phim truyền hình như “Chuyện đời thường”, “Đất và người”, “Chuyện tình bên đồng hoa tam giác mạch”, “Lặng yên dưới vực sâu”, “Trở về giữa yêu thương”... Ngoài ra, Minh Phương thích hợp với những vai phụ nữ Hà thành hiền thục, thanh lịch. Chất người Hà Nội dịu dàng, kín đáo, sâu sắc… được người đẹp xứ Mường hóa thân chuẩn chỉ từ cử chỉ, đi lại, giao tiếp, cách sống, lời ăn tiếng nói, đặc biệt là chất giọng truyền cảm. Trong phim "Giao mùa" (đạo diễn Trần Hoài Sơn), tuy chỉ là vai phụ nhưng Minh Phương đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với diễn xuất tinh tế, có chiều sâu nội tâm của một người mẹ vẫn cố gắng lưu giữ và lan tỏa phẩm chất người Hà Nội.

Thường đóng nhiều vai khắc khổ, cam chịu nhưng ngoài đời NSƯT Minh Phương có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc.

3. NSƯT Minh Phương là người rất chỉn chu, nghiêm túc với nghề. Chị không ngần ngại hóa trang thành nhân vật già nua, xấu xí... Đặc biệt, khi vào bất cứ vai diễn nào, Minh Phương cũng nghiên cứu kỹ kịch bản, tâm lý, tính cách nhân vật... Với vai bà Son trong "Đất và người" (kịch bản chuyển thể từ "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường), Minh Phương đã mất công học hỏi từ nguồn “mẫu” là bà nội của người bạn mà chị đã được tiếp xúc từ nhỏ để hóa thân vào vai một phụ nữ nông thôn điển hình cho những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam hiền thục, chịu đựng, nhẫn nhịn, biết hy sinh, hay vai người mẹ nông thôn chân thật, giản dị trong phim "Sống chung với mẹ chồng". Vào vai người phụ nữ Chăm, ngoài đọc sách, Minh Phương còn vào tận làng gốm Bàu Trúc tìm hiểu văn hóa Chăm; hay trước khi quay bộ phim "Chuyện tình bên đồng hoa tam giác mạch", "Lặng yên dưới vực sâu", chị tập làm tất cả những việc của người phụ nữ Mông, từ gùi ngô, xay ngô, địu cỏ đến quấn lanh... Vào vai bà mẹ người Mông trong phim "Chuyện tình bên đồng hoa tam giác mạch", chị đã vượt qua những khó khăn từ khí hậu khắc nghiệt, tập trải nghiệm với văn hóa dân tộc thiểu số vùng cao. 

Minh Phương là diễn viên đóng được nhiều dạng vai. Ngoài mẫu nhân vật hiền thục, quen chịu đựng, Minh Phương đã vào những vai đa tính cách, bạo liệt, phản diện như vai thẩm phán đầy mưu mô trong phim "Mùa hè rớt"; vai Yến Nhi trong phim "Chân trời trắng" (đạo diễn Phạm Gia Phương - Nguyễn Đức Hiếu); vai Mai Lan trong "Bản di chúc bí ẩn” (đạo diễn Trịnh Lê Phong)... Qua từng bộ phim, Minh Phương đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả bởi cuộc “lột xác” khỏi mẫu nhân vật quen thuộc để hóa thân vào những vai diễn phản diện hoặc đa tính cách.

Hơn 40 năm cống hiến trong cả hai lĩnh vực nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, Minh Phương an nhiên đón tuổi “lục thập hoa giáp” với quan niệm: “Với nghệ sĩ, hạnh phúc lớn nhất là được hóa thân vào bất cứ nhân vật nào và hạnh phúc hơn khi màn hạ rồi mà khán giả vẫn còn lưu luyến. Mình cứ cống hiến thôi. Được mang công sức của mình đóng góp cho sân khấu, điện ảnh là thấy vui và được khán giả biết tới là niềm hạnh phúc thiêng liêng lắm”.

Với những đóng góp cho sân khấu, tính đến nay, Minh Phương đã có 2 Huy chương Vàng, đó là vai bà Xuyên trong vở kịch “Lời thề thứ 9” tham gia Liên hoan các tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1988 - 2013) do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức; vai Kiều trong vở kịch “Nắng quái chiều hôm” tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015.

Lê Thị Bích Hồng