Hướng đến đô thị xanh, thông minh
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:08, 27/06/2022
Đến nay, Việt Nam đã có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Hệ thống các đô thị phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Ước tính, mỗi năm khu vực đô thị có thêm 1-1,3 triệu dân. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021.
Đáng chú ý, không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Diện mạo đô thị ngày càng văn minh, tạo lập được nhiều không gian mới với các công trình có điểm nhấn kiến trúc, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc của người dân. Đặc biệt, một số đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều khu đô thị đồng bộ về hạ tầng, những trung tâm về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, các công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao…
Tuy nhiên, cùng với những kết quả có ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội thì việc phát triển đô thị ở Việt Nam cũng đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định. Thực tế cho thấy, quá trình đô thị hóa suốt nhiều năm qua diễn ra trong bối cảnh khá khó khăn về nguồn lực đầu tư, trong khi phải chịu áp lực rất lớn từ đòi hỏi thực tiễn là đáp ứng các nhu cầu của đời sống xã hội cả trước mắt, ngắn hạn và lâu dài. Vấn đề đáng nói hơn, việc phát triển đô thị chủ yếu trên nền tảng đô thị hiện hữu, mở rộng và đưa các làng xã trở thành "phố" trong khi chưa đáp ứng đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, chuyển đổi phương thức sản xuất, lối sống cư dân... Chốn đô thành cũng là giấc mơ của nhiều người nên đã thúc đẩy quá trình di cư, gây áp lực nặng nề lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội.
Từ thực tế nêu trên, việc phát triển đô thị ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề nội tại cần được quan tâm giải quyết để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị. Nổi lên là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Chất lượng đô thị còn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về hạ tầng và năng lực quản lý. Việc chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tình trạng chung và gây ra nhiều bức xúc xã hội của không ít đô thị lớn là tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi có mưa lớn; tỷ lệ đất giao thông, đất cây xanh, công viên, khu vui chơi giải trí còn thấp…
Đô thị hóa là quá trình tất yếu, khách quan gắn liền với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 diễn ra ngày 17-6 vừa qua tại Hà Nội với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã khẳng định: Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian và thời gian, trong đó hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phúc lợi công cộng là những nội dung cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên; không “hy sinh” các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở.
Quan điểm được nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về phát triển đô thị chính là phải quan tâm đến những vấn đề sát sườn đời sống dân sinh cho cư dân đô thị và xa hơn là định hướng phát triển đô thị xanh, thông minh.
Như vậy, yêu cầu đặt ra là rất rõ: Việc phát triển, chỉnh trang các khu đô thị vừa phải giữ gìn công trình văn hóa, lịch sử có giá trị, nhưng đồng thời chú trọng cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo đảm từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mật độ cây xanh, nhất là chú trọng các công trình phúc lợi công cộng như công viên, quảng trường…
Còn với các khu vực phát triển mới, đây là cơ hội để định hướng phát triển đô thị bền vững theo hướng xanh, thông minh. Theo đó, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỷ lệ đất giao thông, cây xanh, phúc lợi cần được thực hiện nghiêm; không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ làm phá vỡ quy hoạch chung. Các đô thị lớn cũng cần có các giải pháp căn cơ giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường; tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải… Triển khai các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh; gắn phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền số, xã hội số…
Không “hy sinh” các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở chính là hướng đến một đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững. Đây cũng là yêu cầu cần thực hiện xuyên suốt để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.