Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Đức

Thế giới - Ngày đăng : 07:31, 27/06/2022

(HNM) - Ngày 26-6, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức. Ngoài lãnh đạo các nước Đức, Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản, Canada và Mỹ, G7 còn mời thêm lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc và một số đối tác như Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Senegal và Argentina.

Chủ đề chính trong ngày đầu tiên của hội nghị là tình hình kinh tế thế giới, chống biến đổi khí hậu cũng như chính sách đối ngoại và an ninh, trong đó có các biện pháp trừng phạt Nga liên quan cuộc xung đột ở Ukraine. Truyền thông Đức dẫn một nguồn tin từ Chính phủ nước này cho biết, lãnh đạo G7 đang có các cuộc thảo luận về việc đặt ra mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang có hiệu lực đối với Nga, nhưng điều này không tự động dẫn tới sự giảm doanh thu của Nga. Trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga đã dẫn tới những phản ứng phụ không mong muốn là đẩy giá năng lượng lên cao - điều cũng giúp Nga kiếm được nhiều tiền hơn từ việc xuất khẩu dù khối lượng giảm đi. Không chỉ ở EU, mà cả ở Mỹ, giá nhiên liệu ở mức cao hiện đang là một vấn đề lớn.

Ngày thứ hai, chủ đề nổi bật là cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham dự Hội nghị bằng hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, nguy cơ xảy ra nạn đói ở các khu vực, đặc biệt tại Đông Phi cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. Ngày cuối cùng của Hội nghị, G7 sẽ ra một tuyên bố chung kết thúc hội nghị.

Trước giờ khai mạc hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc thảo luận riêng với Tổng thống Mỹ Joe Biden về các chủ đề tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra sau đó ở Tây Ban Nha. Thủ tướng Scholz kỳ vọng đạt được tiến bộ liên quan tới đề xuất hình thành một câu lạc bộ khí hậu cho tất cả những quốc gia đặt mục tiêu trung hòa các bon vào giữa thế kỷ này.

Khi giữ vai trò chủ tịch G7 đầu năm nay, Đức cũng muốn "củng cố tư cách là cầu nối và trung gian hòa giải cho hòa bình và an ninh".

Quỳnh Chi