Vận hội mới cho Đồng bằng sông Cửu Long

Kinh tế - Ngày đăng : 07:38, 27/06/2022

(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vận hội mới cho toàn vùng phát triển một cách đồng bộ, bền vững.

Với các chính sách đột phá, Đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng có bước phát triển mới trong thời gian tới.

Mở ra cơ hội phát triển

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18-6-2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 21-6-2022, Chính phủ đã công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước thực hiện theo Luật Quy hoạch.

Nghị quyết số 78/NQ-CP đề ra một số chỉ tiêu cụ thể để toàn vùng phát triển bền vững, như: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 6,5-7%/năm; quy mô nền kinh tế của vùng đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt 42-48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao... Về y tế, với mỗi 10.000 dân, toàn vùng phấn đấu có 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5-2%/năm.

Bên cạnh đó, năm 2030 là đích hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với vùng Đông Nam Bộ; hệ thống đường cao tốc trục dọc và ngang; hệ thống đường ven biển trong vùng. Đây cũng là thời điểm phải hoàn thành và phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng; nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề. Vùng cũng sẽ phát triển Trung tâm đầu mối nông nghiệp tổng hợp ở thành phố Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở tỉnh Hậu Giang; trung tâm đầu mối ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt; trung tâm đầu mối ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển; trung tâm đầu mối ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu.

Đáng chú ý, Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng hiện đại. Xây dựng các thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Tân An (tỉnh Long An), Long Xuyên (tỉnh An Giang), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng thành các trung tâm tổng hợp, chuyên ngành. Tập trung xây dựng Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và quốc tế...

Về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin: “Quy hoạch nhằm cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới cho toàn vùng”.

Tầm nhìn mới, cơ hội mới

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển (Bộ NN&PTNT) đánh giá: “Mục tiêu của quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long là phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững. Để thực hiện thành công, cần tổ chức tốt liên kết vùng, tăng thu hút đầu tư”.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt kiến nghị: “Với những mục tiêu được Nghị quyết số 78/NQ-CP và Quy hoạch vùng của Chính phủ đặt ra, đề nghị Trung ương cho phép các tỉnh trong vùng thí điểm thực hiện các cơ chế thu hút đầu tư, từ đó tổng hợp, đề xuất, ban hành chính sách phù hợp cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững”.

Về hướng đi cho toàn vùng, bà Nienke Trooster, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam khuyến nghị: “Cần một cách tiếp cận tổng hợp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và có giá trị cao theo hướng "thuận thiên"; không quá phụ thuộc vào cây lúa”. Còn bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, Quy hoạch vùng cần đi kèm với một chương trình hành động khả thi, linh hoạt và thích ứng trong từng giai đoạn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án do địa phương quản lý là khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số bộ, ngành khoảng 140.000 tỷ đồng.

“Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP trước ngày 30-9-2022. Chúng ta cùng kỳ vọng tư duy mới - tầm nhìn mới - cơ hội mới - giá trị mới sẽ mang lại diện mạo mới, vị thế mới cho Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Minh Điền - Phương Nam