Mặt bằng lãi suất chưa biến động lớn
Tài chính - Ngày đăng : 06:29, 27/06/2022
Lãi suất huy động tăng
Theo tổng hợp của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tháng 5-2022, lãi suất huy động trung bình đối với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của một số ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ, lần lượt ở mức 0,02% và 0,03%/năm, lên 4,92%/năm và 5,69%/năm. So với cùng kỳ năm 2021, lãi suất huy động 2 kỳ hạn này tăng lần lượt 0,05% và 0,1%/năm. Tuy nhiên, mức tăng trên chủ yếu ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ. Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn lại giảm nhẹ lãi suất, còn các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thì giữ nguyên.
Nhưng, trong tháng 6-2022, hầu hết các ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, trong đó có cả các ngân hàng thương mại nhà nước. Đơn cử, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) điều chỉnh tăng 0,1% lãi suất ở tất cả kỳ hạn dài từ 12 tháng, lên 5,6%/năm. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng 0,1% đối với gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn dài, đưa mức lãi suất lên 5,6%/năm.
Trong khi đó, mức tăng lãi suất ở các ngân hàng cổ phần còn cao hơn. Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng 0,3% lãi suất tiền gửi tại quầy đối với kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,3-0,45% với các kỳ hạn ngắn. Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng 0,3% đối với tiền gửi các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng, lên 6,4%/năm. Không đứng ngoài cuộc, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (NCB) tăng 0,3-0,5%/năm với một số kỳ hạn. Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) tặng lãi suất 0,5-1,5% khi mở sổ tiết kiệm tại quầy…
Hiện, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hệ thống là 7,6%/năm, áp dụng với kỳ hạn 13 tháng, cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần khác, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 7%/năm, nhưng cũng chỉ áp dụng với các khoản tiền gửi lớn, kỳ hạn dài. Với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như: Vietcombank, Công Thương Việt Nam (VietinBank), BIDV, lãi suất cao nhất là 5,6%/năm. Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) là 5,5%/năm.
Theo đại diện các ngân hàng, cầu tín dụng tăng là nguyên nhân khiến ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động để có đủ nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Các chuyên gia đánh giá, mặc dù lãi suất huy động tăng trong thời gian gần đây nhưng vẫn trong giới hạn kiểm soát. Hơn nữa, mức tăng mạnh không áp dụng cho tất cả các kỳ hạn và các mức tiền gửi. Cập nhật mới nhất từ biểu lãi suất cho vay cho thấy, về cơ bản, lãi suất cho vay chưa có nhiều biến động. Hiện, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 4,5-7%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến ở mức 8,5-9,5%/năm.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhận định, lãi suất huy động tăng nhưng chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Khối ngân hàng có vốn nhà nước, hiện chiếm thị phần lớn, lãi suất tăng rất ít, nên mặt bằng lãi suất không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, mục tiêu giảm lãi suất cho vay có thể có nhiều áp lực trước sức ép lạm phát.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử khi tín dụng tăng tốc và áp lực lạm phát gia tăng trong năm nay. Ngoài ra, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán cũng cạnh tranh để thu hút dòng vốn. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất kỳ vọng cũng chỉ tăng nhẹ 0,3-0,5% trong năm nay.
Đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Do đó, khi lãi suất huy động tăng chắc chắn lãi suất cho vay sẽ tăng. Trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, các chuyên gia cho rằng việc kết hợp chính sách tài khóa để giữ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế là rất quan trọng. Theo đó, các ngân hàng cần sớm giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất. Trong dài hạn, cần phát triển thị trường vốn để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn trung, dài hạn thay vì phụ thuộc hệ thống ngân hàng. Khi đó, áp lực tín dụng và lãi suất lên hệ thống ngân hàng sẽ giảm bớt.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xem xét phân bổ tăng trưởng tín dụng dựa trên một số yếu tố khác như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.