Phát huy giá trị các công trình khoa học, công nghệ
Công nghệ - Ngày đăng : 06:25, 28/06/2022
Khẳng định năng lực sáng tạo mạnh mẽ
Sách vàng sáng tạo Việt Nam được công bố hằng năm là tập hợp các công trình, giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực được tập trung ưu tiên phát triển.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, giai đoạn 2016-2021, Hà Nội có 18 công trình, giải pháp khoa học và công nghệ được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam. Các công trình này khá đa dạng về lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo, gồm: Nông nghiệp; công nghiệp; bảo vệ môi trường; công nghệ thông tin... Tất cả đều đã đạt giải thưởng có uy tín về khoa học và công nghệ, như: Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Giải thưởng cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông của Hội Nông dân Việt Nam...
Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu cho biết, các tác giả nghiên cứu sáng tạo với niềm đam mê, sử dụng kinh phí của cá nhân, tổ chức, hầu như chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Các công trình đều đã được áp dụng trong thực tiễn và có ý nghĩa về khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội và môi trường.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Việt Bùi Văn Thụy thông tin, công trình “Công nghệ sản xuất và kinh doanh sản phẩm Đại Việt tảo xoắn Spirulina trên quy mô lớn” của ông có tên trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021. Hiện tại, sản phẩm Spirulina đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ từ tháng 4-2022. Qua đó, doanh thu tập đoàn đạt từ 25-30 tỷ đồng/tháng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động; có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa, thay thế hàng nhập khẩu.
Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Fitohoocmon Lê Văn Tri, ông và cộng sự có 2 công trình được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam. Đó là “Công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm hương liệu men sinh học tổng hợp BIO - MIX để xử lý phân thải chăn nuôi gia súc, gia cầm làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng, nhằm bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững” (năm 2016) và “Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội” (năm 2020). Các sản phẩm từ hai công trình này đều được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm hương liệu men sinh học tổng hợp BIO - MIX được ứng dụng tại các nhà máy sản xuất chế phẩm sinh học, cung cấp cho các trang trại chăn nuôi và nhà máy sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ tại Hà Nội, Thái Bình, Phú Thọ... Còn với công trình thứ hai, công nghệ sản xuất củ sả chanh hữu cơ, siro sả chanh, tinh dầu sả chanh và đệm lót từ bã thải sau chưng cất tinh dầu hiện được áp dụng tại Công ty cổ phần Tinh dầu Lạc Thủy (Hòa Bình), Công ty cổ phần Công nghệ sinh học (Hà Nội)...
Cần sự động viên và hỗ trợ
Để các công trình, giải pháp khoa học và công nghệ đi vào cuộc sống, Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Fitohoocmon Lê Văn Tri kiến nghị thành phố Hà Nội có chủ trương, chính sách hỗ trợ kinh phí cho nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng đối tượng và địa bàn ứng dụng của công nghệ. Cùng với đó, hỗ trợ các đơn vị, địa phương ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Còn Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí thực phẩm Trung Nghĩa Thân Đức Ngân cho rằng, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu hỗ trợ kinh phí để phát triển sản phẩm, có chính sách ưu tiên vay vốn bằng hình thức tín chấp, vì doanh nghiệp rất cần vốn hoạt động cũng như đầu tư công nghệ mới...
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Việt Bùi Văn Thụy mong muốn được thành phố hỗ trợ về truyền thông, nhân rộng mô hình trên địa bàn Thủ đô để các sản phẩm được vươn xa, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, Đại Việt được hưởng cơ chế, chính sách dành cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Sở sẽ tham mưu, đề xuất với thành phố đẩy mạnh tuyên truyền các công trình, giải pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm phổ biến tri thức khoa học, kết nối và đưa sản phẩm sáng tạo khoa học vào thực tiễn cuộc sống; hướng dẫn nhóm tác giả các thủ tục liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng hồ sơ đề xuất đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất đưa vào thử nghiệm để phát triển, ứng dụng công trình vào sản xuất và đời sống...