Thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện

Đời sống - Ngày đăng : 06:22, 28/06/2022

(HNM) - Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội vừa thực hiện đợt giám sát về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố từ năm 2017 đến nay. Kết quả giám sát cho thấy, nhận thức của một số người dân, người lao động và người sử dụng lao động về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội còn hạn chế. Vì thế, việc có giải pháp thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là vấn đề rất cần thiết trong thời gian tới.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội giám sát về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tại quận Bắc Từ Liêm.

Vẫn ít người tham gia

Những năm gần đây, công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội được các cấp, các ngành trên địa bàn Thủ đô quan tâm, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng. Nhân viên đại lý thu bảo hiểm xã hội luôn bám sát cơ sở, kiên trì vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Vì thế, đến nay, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 40%. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 1,5%.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hằng năm, Bảo hiểm xã hội thành phố tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nhân viên đại lý thu, nâng cao chất lượng đại lý thu tại các xã, phường, thị trấn và của ngành Bưu điện. Đến nay, toàn thành phố có 661 đại lý, 1.596 điểm thu và 2.567 nhân viên đại lý thu bảo hiểm xã hội.

Song song đó, công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cũng được Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã; các đơn vị sử dụng lao động tổ chức với 1.306 cuộc. Qua đó, tuyên truyền, tư vấn, đối thoại, tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp, người lao động về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Để phù hợp với tình hình dịch Covid-19, ngoài các hình thức truyền thông truyền thống, Bảo hiểm xã hội thành phố còn đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội như tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tuyến (livetream, zoom). Hằng năm, Bảo hiểm xã hội thành phố cũng tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nhân viên đại lý thu, nâng cao chất lượng đại lý thu tại các xã, phường, thị trấn.

Dù có nhiều cố gắng, song trên thực tế tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn thấp do thu nhập, khả năng tài chính để tham gia lĩnh vực này của đa phần người lao động tự do và nông dân chưa ổn định. Bên cạnh đó, năm 2022, mức đóng thấp nhất cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 154.000 đồng/tháng tăng lên 330.000 đồng/tháng, khiến cho việc thu hút người tham gia, nhất là ở vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, nhận thức rõ tính ưu việt của bảo hiểm xã hội tự nguyện, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển 21 đại lý thu và 65 điểm thu bảo hiểm xã hội. Song, đến tháng 4-2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn huyện mới dừng lại ở con số 2.258 người, đạt 61,6% so với kế hoạch thành phố giao, tương ứng 0,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.

Còn chị Vũ Thị Diệu Thúy (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên) cho biết, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng khi về già, được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong suốt thời gian hưởng lương hưu… Tuy nhiên, do thu nhập bấp bênh nên chị còn lưỡng lự, chưa tham gia.

Tại quận Bắc Từ Liêm, một quận phát triển nhanh với nhiều doanh nghiệp hoạt động, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn một số hạn chế. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo về công tác này ở một số phường trên địa bàn quận hoạt động chưa tích cực, nên số người tham gia chưa tương xứng với tiềm năng.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo khảo sát, 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn. Cùng với đó, thành phố cũng có chính sách ưu đãi cho một số đối tượng khi mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, như: Hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng đối với người thuộc hộ nghèo là 30%, người thuộc hộ cận nghèo là 25%, đối tượng khác là 10%. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa tạo động lực khuyến khích người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hoàng Thị Tú Anh, để nâng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, các xã, phường, thị trấn cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Người làm việc thường xuyên tại các làng nghề truyền thống, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, người buôn bán nhỏ, học sinh, sinh viên… Có như vậy mới phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân.

Còn Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho rằng, bảo hiểm xã hội là chính sách ưu việt của hệ thống an sinh xã hội, được Nhà nước bảo hộ, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động khi hết tuổi lao động, giảm áp lực lên xã hội và gia đình. Vì thế, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông lĩnh vực này cho các đối tượng.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh thông tin, thời gian tới, Thành đoàn sẽ phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội thành phố, các trường đại học, cao đẳng truyền thông đến học sinh, sinh viên, để họ hiểu đúng, hiểu đủ thì tham gia bảo hiểm xã hội tốt hơn.

Về vấn đề này, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, sau giám sát, Ban sẽ kiến nghị với UBND thành phố một số giải pháp, nhằm tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Việt Tuấn