Tăng tỷ trọng nhà ở có mức giá phù hợp với đa số người dân

Bất động sản - Ngày đăng : 17:26, 28/06/2022

(HNMO) - Xây dựng các dự án nhà ở, khu đô thị theo hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số... đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; tăng tỷ trọng nhà ở có diện tích trung bình, giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân... là những mục tiêu quan trọng được Ban Cán sự đảng UBND thành phố nêu tại dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Khắc phục những hạn chế, bất cập

Trình bày báo cáo về dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra ngày 28-6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã nêu rõ thực trạng phát triển nhà ở của thành phố trong giai đoạn 2012-2020.

Theo đó, tính đến ngày 31-12-2020, tổng diện tích sàn nhà trên địa bàn thành phố đạt khoảng 224,73 triệu mét vuông. Diện tích bình quân đầu người đạt khoảng 27,25m2/người, vượt mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn vừa qua cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế do Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt từ năm 2011 đến nay không còn phù hợp. Công tác phát triển nhà ở, phát triển đô thị chưa đồng đều; còn tình trạng bất bình đẳng, chênh lệch điều kiện sống giữa các khu nhà trong cùng khu vực.

Công tác phát triển nhà ở cũng chưa thực sự gắn với phát triển đô thị bền vững. Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ; công tác phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được chú trọng. Đáng chú ý, tại nhiều dự án nhà ở, chủ đầu tư khi triển khai chỉ tập trung hoàn thành công trình nhà ở trong khi hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được đầu tư đồng bộ...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, căn cứ vào Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, việc nghiên cứu xây dựng Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 là hết sức cần thiết.

Trên cơ sở các văn bản pháp lý có liên quan, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã xây dựng Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030, phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các định hướng quy hoạch chung của Thủ đô.

Cùng với việc xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thành phố cũng hướng tới mục tiêu phát triển nhà ở phải gắn liền với phát triển thị trường bất động sản nhà ở hiện đại, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; sử dụng hiệu quả quỹ đất, phát triển đa dạng các loại hình nhà ở nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội...

8 giải pháp phát triển nhà ở của Thủ đô

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 sẽ tuân thủ các mục tiêu, định hướng được nêu tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực tế phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô theo từng thời kỳ.

Chương trình cũng xác định rõ mục tiêu: Trong khu vực nội đô lịch sử, sẽ hạn chế tối đa phát triển nhà chung cư trong các dự án đầu tư xây mới nhà ở thương mại, nhà ở xã hội (trừ dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư). Mục tiêu này nhằm hạn chế tối đa việc gia tăng dân số và quá tải hạ tầng. Với các khu vực còn lại, sẽ hạn chế tối đa phát triển nhà ở liền kề, biệt thự thấp tầng và tăng tối đa nhà chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở, khu đô thị nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất của Thủ đô.

Thành phố cũng xác định, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới phải được quy hoạch xây dựng theo hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số, thích ứng với biến đổi khí hậu... Các khu đô thị, khu nhà ở phải được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó có các cơ sở y tế và giáo dục công lập, khu cây xanh, khu sinh hoạt cộng đồng và chỗ tập kết rác thải, các điểm nạp sạc điện cho xe ô tô, xe máy và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường...

Đáng chú ý, việc phát triển nhà ở phải bảo đảm công bằng, đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của các hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và các đối tượng thụ hưởng chính sách; tăng tỷ trọng nhà ở có diện tích trung bình, giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân. Cùng với đó, sẽ rà soát, bổ sung quỹ đất để đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, chế xuất...

Thành phố cũng xác định rõ 8 nhóm giải pháp để thực hiện Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Trong đó, sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị làm cơ sở để triển khai các dự án nhà ở; đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh...

Thành phố cũng sẽ sử dụng hiệu quả nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%; 25% đất ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn cho phát triển nhà ở. Song hành với đó, sẽ huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa, kể cả vốn nước ngoài, để phát triển nhà ở, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư...

Về chính sách phát triển thị trường bất động sản và quản lý sử dụng nhà ở, thành phố cũng xác định sẽ phát triển đa dạng các phân khúc nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch, môi giới bất động sản, từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này...

Theo dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030: Đến năm 2025, diện tích sàn nhà ở bình quân toàn thành phố phấn đấu đạt 29,5m2/người. Trong đó, khu vực đô thị đạt 31m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người. Về nhà ở xã hội, sẽ phát triển mới khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn nhà ở; với nhà ở thương mại, phát triển mới khoảng 19,69 triệu mét vuông sàn; với nhà ở riêng lẻ, phát triển mới khoảng 22,5 triệu mét vuông sàn... Về chất lượng nhà ở, sẽ nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố đạt 90%.

Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 32m2 sàn/người. Phát triển mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, 1,3 triệu mét vuông sàn nhà ở tái định cư; 15,19 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại và 22,5 triệu mét vuông sàn nhà ở riêng lẻ. Về chất lượng nhà ở, sẽ nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố khu vực đô thị đạt 100%, nông thôn đạt 90%.

Hương Ly