Ngân hàng Nhà nước tăng tốc rút tiền VND về
Kinh tế - Ngày đăng : 12:50, 16/02/2023
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện bất kỳ giao dịch mua kỳ hạn mới nào từ các thành viên thị trường, nhưng lại thực hiện gần 30.000 tỷ đồng giao dịch bán tín phiếu, qua đó, rút về khối lượng tiền VND tương ứng. Trong khối lượng tiền rút về kể trên, có gần 25.000 tỷ đồng được nhà điều hành thực hiện với 9/9 thành viên tham gia/trúng thầu (kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 5%/năm) và 5.000 tỷ đồng được rút về từ 9/3 thành viên tham gia/trúng thầu (kỳ hạn 91 ngày, lãi suất 5,75%/năm).
So với phiên liền trước (ngày 14-2), giá trị rút ròng của Ngân hàng Nhà nước đã tăng gấp đôi. Việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng lại công cụ bán kỳ hạn 91 ngày cho thấy, tín hiệu rút tiền rõ rệt từ Ngân hàng Nhà nước. Với kỳ hạn này, nhanh nhất phải tới trung tuần tháng 5, 5.000 tỷ đồng bị rút về kể trên mới có thể đáo hạn và quay lại thị trường.
Xu hướng rút ròng khối lượng tiền VND đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ tuần trước đó (từ ngày 6 đến 10-2) với khối lượng rút gần 76.600 tỷ đồng tính riêng qua các giao dịch mua - bán trên thị trường mở. Nếu tính cả lượng tiền đáo hạn từ các giao dịch bơm - rút tiền trước đó của Ngân hàng Nhà nước, tổng khối lượng hút ròng trên nghiệp vụ thị trường mở tuần trước lên tới 142.400 tỷ đồng.
Xu hướng rút tiền của Ngân hàng Nhà nước có nguyên nhân từ việc lãi suất VND kỳ hạn qua đêm trên kênh liên ngân hàng đang sụt giảm, hiện đã mất mốc 5%/năm. Thậm chí, việc lãi suất VND qua đêm giảm về 4,1%/năm phiên 15-2 đã khiến chênh lệch lãi suất VND - USD rơi xuống mức âm. Theo đó, lãi suất cho vay USD cùng kỳ hạn qua đêm hiện phổ biến ở mức 4,44%/năm. Diễn biến này nếu không được điều chỉnh trong ngắn hạn sẽ tạo áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ, khi các ngân hàng có xu hướng thu mua, găm giữ USD để cho vay hưởng lãi suất cao hơn so với VND.