Cơ hội mới để Khánh Hòa ''cất cánh''
Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 29/06/2022
Chưa phát huy hết tiềm năng
Khánh Hòa là tỉnh duyên hải nằm ở khu vực Nam Trung Bộ và là cửa ngõ nối Biển Đông với Tây Nguyên, có diện tích 5.218km2, dân số hơn 1,3 triệu người. Tỉnh có chiều dài bờ biển hơn 385km, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ… Tất cả đã tạo cho Khánh Hòa trở thành địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Tháng 12-2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 53-KL/TƯ về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Kết luận 53), với mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Khánh Hòa sẽ là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cả nước…
Ban Kinh tế Trung ương đánh giá qua 10 năm thực hiện Kết luận 53, Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu nhất định. Kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 2012-2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 1,76 lần so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011; trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa chưa được khai thác hợp lý. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho biết: “Tỉnh chưa đạt được các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; chưa thực sự là động lực phát triển của khu vực. Quy mô kinh tế còn nhỏ, sức chống chịu chưa cao, tăng trưởng chưa bền vững. Nguồn thu ngân sách chưa ổn định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị chưa đồng bộ. Phát triển văn hóa - xã hội còn bất cập. Thu nhập bình quân đầu người thấp…”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định: “Xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa nhiều mặt cho địa phương và cả nước. Cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để Khánh Hòa phát triển bền vững”.
Cơ chế mới, cơ hội mới
Mới đây, các đại biểu dự kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết này đã tạo thêm nguồn lực và điều kiện để Khánh Hòa phát triển thành một cực tăng trưởng trung tâm của khu vực và cả nước.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2022, thực hiện trong 5 năm, với 11 chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách; quản lý đất đai; nuôi trồng thủy, hải sản; phân cấp quản lý quy hoạch cho UBND tỉnh Khánh Hòa… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong số này có 7 chính sách tương đồng với các chính sách của 8 tỉnh đã được thí điểm cơ chế đặc thù và 4 chính sách mới.
Trong đó, đáng chú ý là chính sách đặc thù mới về thu hút đầu tư trong Khu kinh tế Vân Phong, với 5 cơ chế chính sách riêng gồm: Ban hành danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư; điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược với nhiều ưu đãi. Ban Quản lý được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường cho các dự án đầu tư. UBND tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt...
Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa cũng đã đề ra 4 đột phá chiến lược để phát triển địa phương đến năm 2025. Đó là, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch; tập trung phát triển khu vực vịnh Vân Phong trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực; phát triển nhân lực trình độ cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, nếu không có sự hỗ trợ, hợp tác liên kết giữa các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung Bộ (các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) thì Khánh Hòa khó có thể hiện thực hóa những mục tiêu trên. “Chúng tôi đề xuất Trung ương nghiên cứu một cơ chế liên kết vùng thực chất và hiệu quả; bao gồm cơ chế quản lý có đủ thẩm quyền và các lĩnh vực cần phối hợp thực hiện, từ đó góp phần phát triển tỉnh Khánh Hòa đạt được các mục tiêu như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra”, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh đề xuất.