Khóa 200 gian hàng online, trên 500 sản phẩm vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, dược mỹ phẩm
Kinh tế - Ngày đăng : 15:20, 30/06/2022
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến (online) ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân.
Hiện nay, các loại hàng hóa được giới thiệu trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng như: Shopee, Lazada, Tiki, chotot.vn, sendo… rất phong phú, đa dạng với hàng nghìn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ giao nhận, thanh toán khác nhau.
Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử hiện là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử.
“Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản”, ông Trần Hữu Linh nêu rõ.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 140 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử, xử lý 132 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 2,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 3,5 tỷ đồng.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 45 vụ việc, xử lý 42 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2021 đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thông qua Tổ xử lý phản ứng nhanh đã khóa 200 gian hàng online, trên 500 sản phẩm vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, dược mỹ phẩm.
Tuy nhiên, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Vi phạm không chỉ xảy ra tại các sàn thương mại điện tử, mà còn tại nhiều shop bán hàng qua mạng xã hội.
“Chúng tôi đang triển khai các giải pháp đồng bộ, đồng thời tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện quy trình quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử. Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường rà soát các sàn thương mại điện tử, website..., qua đó cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan để kịp thời xử lý các vi phạm”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền cũng cho rằng, do đây là lĩnh vực liên quan đến công tác quản lý của nhiều bộ, ngành nên để ngăn chặn được vi phạm cần có sự chung tay của các cơ quan liên quan. Riêng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp các cơ quan, địa phương để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, phối hợp với các đối tác để truy xuất nguồn gốc sản xuất và triển khai gian hàng trực tuyến quốc gia trên sàn thương mại điện tử để người dân có thể tiếp cận được các sản phẩm an toàn, hiệu quả...