Truyền thông chính sách phải từ sớm, từ xa
Đời sống - Ngày đăng : 07:17, 01/07/2022
Theo Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc, thời gian qua, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu được thực hiện thông qua đăng tải trên cổng, trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương nên hiệu quả còn hạn chế. Điều này khiến một số văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã thực hiện xong quy trình xây dựng dự thảo nhưng không được ban hành do chất lượng soạn thảo và tính đồng thuận xã hội còn hạn chế. Đặc biệt, có những luật do chưa thực hiện truyền thông định hướng, dẫn dắt từ khâu soạn thảo nên ngay sau khi được ban hành đã xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách từ cộng đồng xã hội.
Trước thực tiễn trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg, ngày 30-3-2022, phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”. Đề án này xác định mục tiêu tổng quát là tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua các kênh thông tin, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, cấp tỉnh trong truyền thông dự thảo chính sách; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan. Qua đó, tạo sự vào cuộc tích cực, kết nối chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, cơ quan thực hiện chức năng giám sát, phản biện để bảo đảm thông tin đa chiều, khách quan, chính xác, đầy đủ.
Nói về đề án trên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đào Ngọc Chuyền cho biết, đây là xu thế tất yếu. Với số lượng luật sư thành viên gần 17.000 người, trong thời gian tới, đội ngũ luật sư sẽ tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông của Liên đoàn và các đoàn luật sư; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp…
Để việc triển khai đề án thuận lợi, bà Nguyễn Thị Thoan (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) kiến nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp; đồng thời cần có hình thức phù hợp để công khai nội dung tiếp thu, giải trình, tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Có như vậy thì việc thực hiện mục tiêu của đề án mới bảo đảm tính khả thi.
Đại diện cơ quan “gác cổng” pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, các ý kiến nêu trên phù hợp với chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và yêu cầu đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành, đưa pháp luật vào cuộc sống, trong đó bảo đảm gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, hướng dẫn đa dạng hóa các phương thức truyền thông dự thảo chính sách theo hướng lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm phục vụ tối đa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, với phương châm truyền thông phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội.