Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài mới đạt 9,12% kế hoạch
Kinh tế - Ngày đăng : 13:16, 01/07/2022
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Võ Hữu Hiển cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022 là 34.800 tỷ đồng, trong đó dành cho bộ, ngành 12.110,283 tỷ đồng và dành cho địa phương 22.689,717 tỷ đồng.
Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn chi tiết và nhập dự toán trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) của Kho bạc Nhà nước 33.289 tỷ đồng, đạt 95,66% kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chỉ đạt 9,12% kế hoạch vốn được giao, trong đó, các bộ, ngành đạt 16,12%, các địa phương đạt 5,38%.
Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài thấp được cho là bởi dự án chưa có khối lượng hoàn thành do các nguyên nhân: Chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư (như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chậm thiết kế cơ sở; chậm đấu thầu, vướng mắc trong đấu thầu hoặc vướng trong thực hiện hợp đồng với nhà thầu); dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay; dự án chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán hoặc đang kiện toàn ban quản lý dự án; ảnh hưởng thời tiết...
Ngoài ra còn do vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; chậm nhận được ý kiến không phản đối hoặc chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu. Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân; chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng.
Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, phần kế hoạch vốn còn lại sau khi đã được điều chỉnh giảm, người đứng đầu các bộ, ngành cam kết giải ngân hết 100%; bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Các chủ dự án, Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng), bảo đảm việc thực hiện thông suốt, kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản xử lý theo thẩm quyền.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; trao đổi với nhà tài trợ phối hợp xử lý nhanh các hồ sơ giải ngân...