Không lơ là, chủ quan
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:36, 02/07/2022
Vấn đề đáng quan tâm là theo dự đoán của các chuyên gia y tế, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đe dọa gây ra một làn sóng mắc Covid-19 mới; thậm chí, chúng có thể “né” miễn dịch đã có trước do tiêm vắc xin hoặc mắc bệnh. Điều này đồng nghĩa, mọi người có thể bị tái nhiễm ngay cả khi họ mắc thể Omicron trước đó.
Thực tế, theo báo cáo từ các quốc gia và văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số quốc gia báo cáo việc phát hiện các biến thể mới này và số ca mắc bệnh đều đang tăng lên. Điều này cho thấy, những biến thể này dễ lây hơn biến thể Omicron hiện có. Hoặc cũng có thể là kết quả của việc suy giảm khả năng miễn dịch do mắc bệnh hoặc tiêm chủng trong quá khứ.
Tại Việt Nam, mặc dù đại dịch đã được kiểm soát, số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên cả nước đã giảm rõ rệt, nhiều địa phương không có ca mắc mới trong những ngày qua. Tuy nhiên, trước thực tế đã xuất hiện biến thể mới BA.5 đi kèm nguy cơ lây lan mạnh, chúng ta không được phép lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục lưu hành với những biến thể nguy hiểm hơn và các ca bệnh đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới. Trước những diễn biến mới này, một điều cần nhấn mạnh thêm là Covid-19 không phải là một bệnh nhẹ. Ngay cả với cơ thể khỏe mạnh thì không có gì bảo đảm rằng khi mắc bệnh sẽ bị nhẹ hoặc không gây ra các nguy cơ lâu dài. Do đó, “vũ khí” nền tảng và đã được khẳng định rõ hiệu quả trong ngăn ngừa đại dịch, vẫn phải là tiêm vắc xin phòng Covid-19. Việc tiêm đầy đủ mũi vắc xin, mũi nhắc lại đối với những đối tượng nguy cơ (người già, trẻ em, người suy giảm hệ miễn dịch…) là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người và cả cộng đồng. Bởi thực tế đã chứng minh, nếu không bao phủ các mũi vắc xin tăng cường, số ca nặng và nguy kịch vì Covid-19 có thể gia tăng trở lại. Tất cả mọi người cần nhận thức rằng, tiêm vắc xin, bao gồm cả liều nhắc lại sẽ giúp ngăn ngừa việc mắc Covid-19 nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện và tử vong. Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cả ở gia đình, cơ quan, đơn vị và nơi công cộng...
Trên bình diện chung, chúng ta vẫn phải thực hiện triệt để, hiệu quả Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Yêu cầu đặt ra là đã nới lỏng nhưng không thả lỏng; nới lỏng đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ. Ngành Y tế cùng các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động giám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện các biến thể mới, từ đó triển khai các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp. Đặc biệt, cần phải có sự giám sát, đánh giá đúng nguy cơ; tránh hiện tượng giám sát, đánh giá nguy cơ không đúng sẽ dẫn đến việc phòng, chống dịch không hiệu quả hoặc đánh giá nguy cơ thái quá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, kinh tế - xã hội.
Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, chúng ta không được phép lơ là, chủ quan!