Phố bên đồi - vì một giấc mơ Đà Lạt của sáng tạo
Du lịch - Ngày đăng : 20:04, 02/07/2022
Kết nối và kết nối
Đà Lạt hôm nay, vì lý do chủ quan và cả khách quan, đang kể một câu chuyện về môi trường sống lý tưởng (thiên nhiên và văn hóa) ở thì quá khứ nhiều hơn thì hiện tại. Và một câu hỏi có tính tu từ đặt ra: “Có hay không bản sắc của thành phố và bản sắc đó là gì?”. Đứng trước câu hỏi này, Nguyễn Trung Hiền, người sinh ra và lớn lên ở thành phố sương mù cũng tỏ ra khá lúng túng... Nhưng anh lập tức cho thấy sự sắc sảo, mạch lạc khi mang đến hình dung rõ hơn cho người nghe về cái gọi là “bản sắc thành phố” qua hàng loạt hoạt động có tính kết nối mạnh mẽ ở Phố Bên Đồi creative studio (số 10, đường Lý Tự Trọng, phường 2, thành phố Đà Lạt). Các hoạt động có tính liên ngành, đa lĩnh vực này thể hiện góc tiếp cận rất trực diện, đầy chất thơ nhưng cũng thật mạnh mẽ của những người trẻ yêu thành phố. Đó là: hành động để kiến thiết những giá trị mới, có tính kế thừa, xây dựng Đà Lạt thành điểm đến văn hóa, nghệ thuật của Đông Nam Á.
Phố Bên Đồi mà Nguyễn Trung Hiền và những người trẻ lập ra năm 2016 tại Đà Lạt đã xác định kết nối như một yếu tố đo lường sự thành công của dự án. 7 nhóm kết nối được hướng tới là nghệ sĩ; chuyên gia; chính quyền; người dân thành phố và khách du lịch trong nước, quốc tế; doanh nghiệp; truyền thông. Mỗi năm Phố Bên Đồi đưa ra một chủ đề để phát huy năng lực sáng tạo của cộng đồng từ hội họa, âm nhạc, kiến trúc đến hội thảo, hội chợ, trải nghiệm khoa học kết hợp nghệ thuật STEAM (Science, Technology, Engineering, Art & Math) cho trẻ em trong thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng...
Tôi biết đến Phố Bên Đồi lần đầu tiên vào năm 2018, một cách tình cờ tại Cầu Đất Farm khi nhóm các bạn trẻ này tổ chức một chương trình nghệ thuật đa hình thái kéo dài 4 tháng, kỷ niệm 125 năm thành phố Đà Lạt. Đây cũng là hoạt động ấn tượng của thành phố dịp này, thu hút chừng hơn 45 nghìn người thưởng lãm, tham gia. Không gian lịch sử, văn hóa, kinh tế của Đà Lạt - Cầu Đất Farm trên độ cao 1.650m so với mực nước biển năm ấy đã trở thành một điểm hẹn giao lưu đậm chất nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, du khách trong nước và quốc tế.
Cũng chính từ cuộc gặp gỡ này, Phố Bên Đồi gia nhập sâu hơn vào cộng đồng sáng tạo cả nước và ngược lại các chương trình hoạt động hướng đến mục tiêu phát triển các không gian sáng tạo của ngành Văn hóa nước nhà, các tổ chức quốc tế cũng chú ý hơn đến Phố Bên Đồi.
Một thành phố của âm nhạc và văn hóa
Không ngạc nhiên khi chúng tôi gặp lại Phố Bên Đồi của những người trẻ trong một không khí hành động và nhiều cảm hứng sáng tạo tại cuộc trò chuyện online mới đây. Đặc biệt, Phố Bên Đồi cũng đã tham gia cùng với thành phố Đà Lạt trong buổi làm việc với các chuyên gia của Cục Hợp tác quốc tế và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để thống nhất chủ trương xây dựng Đà Lạt thành Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực âm nhạc.
Trò chuyện với chúng tôi, Hiền nhớ lại: “Ở Đà Lạt, mỗi nhà dường như đều có một cây guitar, chiếc máy ảnh phim, máy nghe nhạc, tủ sách... và người ta dường như đàn hát ở khắp nơi. Nhưng ngày còn bé, tôi chỉ biết nghe và cảm nhận thấy nó bình thường, dần lớn lên, xa Đà Lạt tới nhiều thành phố trên thế giới, nhất là châu Âu tôi mới thấy nghệ thuật chính là hơi thở cuộc sống, là thứ đã làm nên tâm hồn Đà Lạt”. Hiền cũng nhắc lại rằng Đà Lạt là nơi hai nghệ sĩ tài danh Trịnh Công Sơn - Khánh Ly gặp gỡ, là nơi có nhiều không gian âm nhạc độc đáo cả trong quá khứ và hiện tại... Trong đó, không ít không gian đương đại như Cù rú bar, Căn nhà xưa, Bossa... có nhiều sáng tạo về không gian, phong cách biểu diễn thu hút người trẻ mà vẫn giữ được sự kết nối với ký ức thành phố. Nhiều người trẻ ở Đà Lạt đã, đang chơi nhạc, sáng tác như một phần cuộc sống của họ. Thêm nữa, âm nhạc cũng là thế mạnh của Đà Lạt khi so với nhiều lĩnh vực khác trong 7 lĩnh vực thuộc tiêu chí Thành phố sáng tạo của UNESCO, như ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian...
Quả thật, chúng tôi tới Đà Lạt nhiều lần, nhưng mỗi lần chạm ngõ thành phố mù sương, là dòng nhạc của xứ sở hoa anh đào đã tự động cất lên trong tâm tưởng. Các công trình khảo cứu của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, một người say mê Đà Lạt cũng cho thấy có quá nhiều ca khúc ra đời nơi đây đã làm nên tên tuổi của không ít nghệ sĩ. Một khảo sát chưa chính thức còn khẳng định, có ít nhất 200 ca khúc về Đà Lạt được sáng tác, thu hút nhiều thế hệ người nghe...
Và Hiền một lần nữa lại nhấn mạnh với tôi: “Đà Lạt nổi tiếng về du lịch, nhưng nó cần được tái định vị về mặt thương hiệu để trở thành một thành phố một điểm đến về văn hóa và giáo dục. Khi học tập và đi làm việc ở châu Âu, tôi nhận ra Đà Lạt có rất nhiều điểm chung với các thành phố này về lợi thế khí hậu, con người hiền hòa, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái kiến trúc, tiềm năng văn hóa, nhưng Đà Lạt chưa biến được tiềm năng này thành động lực phát triển mạnh mẽ cho thành phố. Vì thế, với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO như một bước đi tất yếu, Đà Lạt nên tập trung phát triển theo hướng khoa học, giáo dục, sáng tạo. Đó cũng là chiến lược phát triển bền vững của các thành phố sáng tạo khác trên thế giới.
Làm sao để mỗi người khi đến với Đà Lạt thì sẽ có nhiều trải nghiệm văn hóa phong phú và sâu sắc hơn như tham quan các không gian nghệ thuật, xem phim, nghe nhạc, tìm kiếm cảm hứng sáng tác...”.
Rất vui là cùng với mong muốn, đội ngũ của Phố Bên Đồi và nhiều nghệ sĩ trẻ, kiến trúc sư của chừng 10 không gian sáng tạo khác nhau như Thư viện cộng đồng kiến trúc DAL, Stop and Go Art Space, Hey Storm art space... ở Đà Lạt đang từng bước hành động vì một “Thành phố nghệ thuật”, một thành phố đáng sống. Một ví dụ là Phố Bên Đồi hiện đang hoàn thiện nội dung và dự tính cuối năm sẽ cho ra mắt dự án bản đồ nghệ thuật ở Đà Lạt, giúp kết nối mạng lưới không gian sáng tạo nghệ thuật và tạo thêm trải nghiệm phong phú cho du khách...
Con đường phía trước với Phố Bên Đồi cũng như các không gian nghệ thuật ở Đà Lạt còn nhiều dư địa để sáng tạo nhưng cũng đầy thách thức, thậm chí như Hiền nói là “có lúc cô đơn vì trên hành trình gõ cửa tìm kiếm sự đồng hành của doanh nghiệp, tổ chức, rất nhiều nơi họ không hiểu mình đang làm gì...”.
Tuy nhiên, có một điều thấy rõ là Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (ra đời năm 2016) đã góp phần tạo dựng môi trường thể chế thuận lợi để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển. Những hoạt động kết nối của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam gần đây với cộng đồng sáng tạo, cũng như những thúc đẩy về mặt chính sách cho lĩnh vực này cũng tạo ra bầu không khí tích cực cho các thành phố, trong đó có Đà Lạt tự tin bước đi trở thành thành phố được định vị bằng văn hóa.