Những “sứ giả đỏ” của phong trào hiến máu

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:31, 02/07/2022

(HNM) - Trong phong trào hiến máu tình nguyện, những người nhiệt huyết tuyên truyền, vận động, tham gia hiến máu thường được gọi bằng tên “sứ giả đỏ”. Mỗi người là một câu chuyện đẹp, thấm đẫm tính nhân văn, là nhịp cầu kết nối yêu thương giữa người khỏe mạnh với bệnh nhân yếu ớt, góp phần đưa phong trào hiến máu tình nguyện thấm sâu, lan tỏa.

Gia đình ông Lê Đình Duật, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) - một trong những gia đình tham gia và vận động hiến máu tiêu biểu của Thủ đô.

Noi gương người thân làm việc tốt

Những ngày cuối tháng 6-2022, phóng viên Báo Hànộimới đến căn hộ tập thể trên tầng 4, nhà F8, khu tập thể dụng cụ số 1, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) của gia đình ông Lê Đình Duật - một trong những gia đình vận động hiến máu đạt số lượng kỷ lục trên địa bàn Thủ đô. Gặp chúng tôi, ông Lê Đình Duật cười thân thiện và nói: “Chứng kiến số người hiến máu ngày càng nhiều hơn, tôi vui lắm!”.

Theo lời kể, thời trẻ, ông Lê Đình Duật (sinh năm 1943) là chiến sĩ phòng không, chiến đấu trên nhiều chiến trường. Rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường vào năm 1991, ông Duật hăng hái tham gia công tác chữ thập đỏ tại địa phương. Năm 1999, khi phong trào hiến máu nhân đạo được phát động rộng rãi, ông Duật là một trong những người đầu tiên ở quận Thanh Xuân tham gia hiến máu, nhưng bị từ chối vì huyết áp thấp. Bản thân không thể hiến máu, ông Duật vận động người khác tham gia. "Mưa dầm thấm lâu", những người xung quanh ông Duật lần lượt tham gia hiến máu. Vợ của ông Duật là bà Lê Thị Kim Dinh cùng 3 người con đẻ là Lê Thanh Hà, Lê Thanh Nam, Lê Quyết Thắng và con dâu, các cháu đã có hơn 500 lần hiến máu. Là người hiến máu nhiều nhất trong gia đình với 96 lần, chị Lê Thanh Nam chia sẻ: “Chúng tôi luôn tâm nguyện phải sống có ích, tích cực làm việc thiện. Bản thân có sức khỏe ổn định, chúng tôi sẵn sàng hiến giọt máu đào; đồng thời nuôi dưỡng, trao truyền tấm lòng biết yêu thương, chia sẻ đến thế hệ kế tiếp. Hiện con gái tôi vừa đủ 18 tuổi đã ghi tên vào danh sách những người hiến máu”.

Không chỉ tham gia hiến máu, gia đình ông Duật còn vận động được 1.000 người tham gia hiến máu tình nguyện, đạt gần 1.000 đơn vị máu an toàn. Dù có 3 thành viên được thành phố Hà Nội vinh danh “Người tốt, việc tốt” cùng hàng trăm tấm bằng khen, giấy khen, nhưng đối với tuyên truyền viên Lê Đình Duật và gia đình, thì “phần thưởng lớn nhất là sự hồi sinh của người bệnh”.

Cùng chung mong muốn mọi bệnh nhân được tiếp máu khi cần, nhiều năm qua, ông Nguyễn Xuân Quán (sinh năm 1957), ở tổ dân phố 24, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) dành nhiều tâm huyết cho phong trào hiến máu. Sau khi bước qua tuổi 60, hết độ tuổi làm “ngân hàng máu sống”, ông Quán trăn trở tìm hướng đưa phong trào nhân văn này lan tỏa trong đời sống. “Bất cứ lúc nào có thời gian, tôi lại đi vận động những người xung quanh tham gia. Lấy bản thân làm minh chứng, tôi giải thích cho mọi người hiểu, hiến máu không có hại cho sức khỏe, mà còn tái tạo nguồn máu mới, ai có đủ sức khỏe cũng nên làm…”. Noi gương ông, 3 thế hệ gia đình ông Nguyễn Xuân Quán đã hiến máu cứu người nhiều lần. Hàng chục người dân sống gần gia đình ông Quán cũng tích cực tham gia, trở thành một trong những địa chỉ đỏ của thành phố Hà Nội về hiến máu tình nguyện.

Ngoài những dẫn chứng kể trên, phong trào hiến máu tình nguyện còn xuất hiện nhiều tấm gương điển hình vận động hiến máu, như: Ông Tăng Văn Hưng, ở thôn Liễu Trì, xã Mê Linh (huyện Mê Linh); bà Ngô Thị Nhàn, ở thôn Tiền Phong, xã La Phù (huyện Hoài Đức)... Mỗi tấm gương là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương, chia sẻ giữa người với người.

Cùng làm điều hay

Trong việc triển khai các phong trào, hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo nói chung, hiến máu tình nguyện nói riêng, cùng với những tuyên truyền viên dày dặn kinh nghiệm, có uy tín, thì người trẻ với sự nhiệt huyết, tinh thần xung kích cũng là nhân tố quan trọng tạo nên thành công. Do đó, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội đã thành lập câu lạc bộ hiến máu, tập hợp hội viên, tình nguyện viên là đoàn viên, thanh niên dồi dào sức trẻ. Sinh hoạt trong các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, nhiều người trở thành “sứ giả đỏ” trẻ tuổi, vận động, dẫn dắt bạn bè cùng làm điều hay.

Gắn bó hơn 10 năm với phong trào hiến máu, từ một thanh niên nhút nhát, sợ sệt khi lần đầu nhìn thấy kim tiêm đưa vào cơ thể lấy máu, anh Trịnh Xuân Thủy, cựu sinh viên Học viện Ngoại giao đã trở thành Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Chia sẻ về chặng đường đã qua, anh Thủy nói: “Cách vận động hiến máu của tôi là bản thân nhiệt tình hiến máu, đến nay đã trực tiếp hiến hơn 30 lần, để những người xung quanh thấy rằng, hiến máu là việc tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe, từ đó họ chủ động tham gia”. Chứng kiến việc làm ý nghĩa của anh Trịnh Xuân Thủy, chị Nguyễn Thảo Linh, hiện đang đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội thôi thúc bản thân phải hành động nhiều hơn. Với tinh thần đó, chị Thảo Linh đã hiến máu 7 lần, vận động hơn 6.000 người tham gia hiến máu, có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các sự kiện hiến máu, như: “Lễ hội xuân hồng”, “Giọt hồng tri ân”, “Trái tim tình nguyện”...

Đối với việc mở rộng mạng lưới câu lạc bộ hiến máu, anh Trịnh Xuân Thủy cùng những cán bộ nòng cốt của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội hướng tới các trường đại học, cao đẳng, chọn lựa những người giàu nhiệt huyết với phong trào làm “thủ lĩnh”. Theo đó, đa số trường đại học trên địa bàn Thủ đô có đội thanh niên vận động hiến máu hoặc câu lạc bộ hiến máu tình nguyện hoạt động hiệu quả. Đội trưởng Đội Thanh niên vận động hiến máu tình nguyện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thanh Hải chia sẻ: “Song hành với việc học, các thành viên trong câu lạc bộ tích cực vận động thanh niên, sinh viên tham gia hiến máu, riêng cá nhân tôi vận động được hơn 2.000 người tham gia, thu về hơn 1.000 đơn vị máu an toàn”. Học bạn Nguyễn Thanh Hải, em Lý Thị Diệu, sinh viên năm thứ 3, Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh cùng nhiều sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa tham gia hiến máu nhiều lần, vừa trở thành những tình nguyện viên nhiệt huyết. Theo cách này, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội hiện có mạng lưới gần 100 câu lạc bộ và hơn 10.000 tình nguyện viên, vận động được gần 40.000 đơn vị máu trong 6 tháng đầu năm 2022…

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, những “sứ giả đỏ” là hạt nhân của phong trào hiến máu tình nguyện. Bằng trách nhiệm, uy tín và tấm lòng nhiệt huyết, họ đã, đang góp phần đưa phong trào phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các cơ sở y tế đã tiếp nhận khoảng 150.000 đơn vị máu từ các phong trào hiến máu trên địa bàn Thủ đô.

Còn Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia Trần Ngọc Quế khẳng định, mỗi cá nhân tích cực tuyên truyền, vận động hiến máu hoặc tham gia hiến máu ở Thủ đô là một câu chuyện đẹp về tình người, tình đời, góp phần tiếp thêm sự sống cho nhiều người bệnh. Những câu chuyện ý nghĩa này cần được nhân rộng, phát huy hơn nữa trong đời sống.

Vũ Minh